Đủ chiêu trò quảng cáo lố
Chị Ninh (ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) có con chậm tăng cân. Thấy thông tin trên mạng xã hội về loại siro Japa kids quảng cáo là "siro ăn ngon Japa Kids số 1 Nhật Bản" là thực phẩm chiết suất từ sữa ong chúa giúp trẻ ăn ngon miệng, hỗ trợ đường tiêu hóa, tăng cường chiều cao, nhập khẩu nguyên hộp từ Nhật Bản về Việt Nam, chị Ninh đã để lại số điện thoại để được tư vấn. Ngay sau đó, chị được một người gọi xưng là "bác sĩ" tư vấn liệu trình dùng siro Japa Kids cho bé. Sau nhiều lần tư vấn với những công dụng "có một không hai, những lời cam kết chắc nịnh điều trị được tình trạng của con đang gặp phải", "bác sĩ" này còn dùng những lời tư vấn có cánh, xưng danh tên tuổi, nên chị Ninh tin tưởng và chấp nhận chi 900.000 nghìn đồng mua 2 lọ siro Japa Kids với niềm tin sẽ mang lại hiệu quả cho bé nhà mình.
Nhận được thông tin phản án trên, phóng viên có tìm hiểu sản phẩm, chỉ cần tìm kiếm từ khóa có tên “Japa Kids” trên công cụ tìm kiếm Google thì người dùng sẽ nhận được kết quả trả về hàng chục trang website và địa chỉ facebook đang quảng bá, mời chào.
Hầu hết các sản phẩm này đều được đẩy mạnh qua kênh bán hàng online. Bệnh nhân chỉ cần để lại số điện thoại. Một lát sau, các “bác sĩ”, “dược sĩ” sẽ gọi điện để tư vấn bệnh và bán sản phẩm… Có thể nói đây là một dạng quảng cáo “trá hình” phổ biến của thị trường TPCN hiện nay.
Trong quá trình tìm hiểu phóng viên có để lại được số điện thoại để được nghe tư vấn mua hàng, thì đã phải đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác về nhiều công năng “thần thánh” của sản phẩm. Sau khi để lại số điện thoại để được tư vấn, chỉ khoảng 10 phút sau có cuộc điện thoại gọi đến tự xưng là Bác sĩ tư vấn. Điều đáng nói, khi tư vấn người “bác sĩ” này luôn cam kết, quảng cáo công dụng như thần dược, khiến nhiều người mê hoặc tin tưởng bỏ tiền mua.
Cũng để tăng niềm tin cho khách hàng, người tư vấn đã không ngần ngại “nâng tầm” sản phẩm, nói rằng loại TPCN này có tác dụng “điều trị” tình trạng khó hấp thụ của trẻ.
Điều này, khiến khách hàng phải đặt ra câu hỏi, liệu có thể chữa khỏi căn bệnh này không? Vị Bác sĩ này là ai? Có thật sự là Bác sĩ hay không?. Một sản phẩm TPCN nhưng lại quảng cáo là thuốc chữa bệnh, được cho là có công hiệu “rõ rệt” với tình trạng chậm tăng cân, có giá 450.000 nghìn đồng 1 hộp… liệu có đáng để khách hàng tin tưởng?
Không chỉ vậy, bằng các hình thức đăng tải bài “nhân vật chia sẻ kinh nghiệm”, dạng tin nhắn cảm ơn, nhận xét về sản phẩm trước và sau khi dùng lên trang website, đặc biệt Japa Kids còn sử dụng hình ảnh của các chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ… những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, khiến nhiều người tin rằng loại thực phẩm chức năng được nói đến có công dụng chữa bệnh.
Việc này thể thấy rằng siro Japa Kids đã và đang “vô tư” vi phạm luật quảng cáo và đang tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Bằng những phương thức quảng cáo bất chấp này, đã khiến nhiều khách hàng hiểu lầm và “sập bẫy”. Hậu quả là người tiêu dùng vừa tốn tiền, thời gian điều trị, vừa mua đủ loại TPCN với hy vọng điều thần kỳ sẽ đến, nhưng chưa chắc đã khỏi bệnh, “tiền mất tật mang”.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ các cơ quan quản lý như Cục ATTP, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành cần sớm có biện pháp kiểm tra và xử lý kịp thời nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Người tiêu dùng chịu trận, ai sẽ là người bảo vệ?
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh; quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; quảng cáo công dụng không đúng với hồ sơ đã công bố… là thực trạng đang diễn ra phổ biến.
Thậm chí, có doanh nghiệp giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về thực phẩm chức năng. Nhiều người còn giả mạo bác sĩ, lương y của các bệnh viện lớn để tư vấn về thực phẩm chức năng… như thuốc chữa bệnh.
"Những quảng cáo gây hiểu nhầm như trên đều vi phạm pháp luật. Đó thực ra chỉ là những sản phẩm hỗ trợ, là thực phẩm chức năng và hoàn toàn không có công dụng như thuốc chữa bệnh" - ông Phong khẳng định.
Vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản gửi nhiều bộ, ngành về tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh vấn nạn "thần dược" giả, quảng cáo dỏm.
Văn bản do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký ngày 18/1 thông tin thời gian qua, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng. Bên cạnh đó, sử dụng các danh hiệu như "nhà thuốc gia truyền", "danh y", "thần y" để quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc điều trị các bệnh mạn tính như xương khớp, huyết áp, tiểu đường, bệnh về mắt... trên các mạng xã hội. Đặc biệt, các sản phẩm này chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam.
“Việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm này gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định về Luật Dược”- văn bản Bộ Y tế nêu.
Nhằm ngăn chặn phòng ngừa việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán sản phẩm không phải thuốc nhưng quảng cáo như thuốc chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị bộ, ban, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động như sau:
Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Chủ trì, phối hợp với cơ quan của Bộ Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều tra, xử lý tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Đông dược không chữa được bệnh mạn tính
PGS-TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, bày tỏ bức xúc khi việc quảng cáo rầm rộ thuốc đông y quá mức trên các trang mạng xã hội. Ông cho biết trong đông y, với các bệnh mạn tính như vảy nến, đái tháo đường thì không thể chữa khỏi được. Khi người bệnh dùng thuốc thấy có chuyển biến đó là bệnh đỡ một thời gian chứ không phải là khỏi.
"Tôi khẳng định những bệnh mạn tính, đông y không thể chữa khỏi. Với một số bệnh khớp cũng có thể đông y chữa tốt nhưng cũng có bệnh chỉ làm ổn định từng giai đoạn như thoái hóa xương khớp. Vì vậy, người dân không nên mù quáng chạy theo quảng cáo mà chỉ nên tin vào các cơ sở y tế được cấp phép đầy đủ" - PGS Cảnh khuyến cáo
Kim Khánh - Thuỳ Linh