THCL - Là một tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu ngân sách những năm gần đây lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay, Vĩnh Phúc chưa có một nghĩa trang tập trung của tỉnh được đầu tư xứng tầm.
Ảnh minh họa
Mặc dù mới có chủ trương về việc Quy hoạch, xây dựng Khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang, xã Bồ Lý (Tam Đảo), nhưng đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Nhiều ý kiến đồng thuận và hy vọng mọi chuyện diễn ra êm đẹp để người dân được nhờ. Nhưng cũng có những thông tin trái chiều, thậm chí có ý kiến chưa đồng thuận. Đó là điều bình thường trước một vấn đề hệ trọng “Người sống lo nơi an nghỉ cho người chết” theo hướng văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm đất, kinh phí xây dựng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phù hợp với xu hướng chung của thời đại.
Trong số những ý kiến phản biện, đáng chú ý có bình luận của Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng trên giaoduc.net.vn ngày 24/1/2017: "Phải khẳng định rằng, việc xây dựng nghĩa trang nói chung là cần thiết.
Việc có nhà đầu tư muốn thực hiện dự án này thì tôi không có gì phản đối cả, ngược lại còn hoan nghênh mới đúng, bởi có cầu ắt phải có cung. Nhưng vấn đề đặt ra là phải chọn địa điểm thực hiện dự án cho phù hợp để không ảnh hưởng tới quy hoạch chung, đảm bảo môi trường, cuộc sống người dân xung quanh, chứ không phải địa phương đó chạy theo dự án để hợp thức hóa quy hoạch mà bất chấp các quy định của pháp luật dẫn đến những hệ lụy xấu.
Phải phân biệt rõ rằng, chủ trương “xin” đất rừng phòng hộ để làm nghĩa trang là của tư nhân, chứ không phải tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra chủ trương và bỏ tiền (ngân sách) xây dựng nghĩa trang tại khu vực đó”...
Ông Nguyễn Văn Yên, cán bộ hưu trí tại Vĩnh Yên chia sẻ: "Mấy năm trở lại đây, tỉnh Vĩnh Phúc có chính sách hỗ trợ kinh phí cho gia đình có người mất đi hỏa táng. Tùy theo nguyện vọng của gia đình mà người ta có thể xuống Hà Nội, lên Phú Thọ hoặc sang Hòa Bình.
Tuy nhiên, do khoảng cách xa nên thân nhân người mất cảm thấy rất mệt mỏi. Mấy năm trước, có tin sẽ có công viên nghĩa trang trên địa bàn thành phố nhưng sau đó, đã không thực hiện được. Lúc đó, báo chí cũng nói là xây công viên nghĩa trang ở thành phố là không đúng quy hoạch. Nhưng giờ có nhà đầu tư làm tại Tam Đảo theo đúng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, thì cũng bị nói này nói nọ.
Việc xây nghĩa trang và làm bãi rác là những việc làm rất khó đối với Nhà nước và nhà đầu tư, vì đến đâu người dân cũng có ý kiến. Nhưng nếu không thống nhất, không triển khai được thì người dân sẽ còn khổ. Mồ mả sẽ mọc lên khắp các cánh đồng, lúc đó môi trường sống bị ô nhiễm, trong khi đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp.
Như vậy, việc chủ trương quy hoạch, xây dựng công viên nghĩa trang tại núi Ngang, xã Bồ Lý (Tam Đảo) của Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc là đúng đắn, cần thiết, đáp ứng nhu cầu mai táng của nhân dân, hạn chế ô nhiễm môi trường. Địa điểm thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt theo Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Nghiên cứu quy hoạch, xây dựng nghĩa trang tập trung cho cả tỉnh là một trong những yêu cầu cần thiết trong một đô thị hoàn chỉnh. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế đô thị là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng nếu có nhà đầu tư nghiên cứu theo phương thức xã hội hóa thì đi đến đâu cũng được hoan nghênh, không riêng gì tỉnh Vĩnh Phúc"...
Điều cần thiết hiện nay đó là trên cơ sở chủ trương đúng đắn, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cần có một kế hoạch thật cụ thể và thống nhất đầu mối cung cấp tài liệu, tư liệu một cách bài bản, có hệ thống và nhất quán cho các cơ quan truyền thông thông tin đến công chúng về chủ trương của Thường vụ tỉnh Vĩnh Phúc về quy hoạch, xây dựng công viên nghĩa trang tại núi Ngang, xã Bồ Lý (Tam Đảo).
Các bước triển khai thực hiện của chính quyền các cấp và các ngành chức năng từ tỉnh xuống đến huyện Tam Đảo và xã Bồ Lý để cán bộ, người dân thấu hiểu, thông suốt, tạo sự đồng thuận cao với chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về quy hoạch, xây dựng công viên nghĩa trang tại núi Ngang.
Nói cách khác, tuyên truyền về chủ trương quy hoạch, xây dựng công viên nghĩa trang tại Núi Ngang, xã Bồ Lý (Tam Đảo) phải đi trước một bước và cần phải có phát ngôn nhất quán, giải đáp và giải quyết kịp thời mọi thắc mắc, chưa đồng thuận cho những người dân liên quan đến dự án nêu trên.
Thông tin trên các phương tiện truyền thông vừa qua đã làm sáng tỏ những nét cơ bản về sự cần thiết phải quy hoạch, xây dựng công viên nghĩa trang tại núi Ngang, xã Bồ Lý (Tam Đảo). Nhưng do lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chưa có đầu mối thống nhất cung cấp thông tin cho báo chí nên đã có những tít bài giật gân như “Vĩnh Phúc: Nóng việc xây dựng “siêu nghĩa trang” tại Tam Đảo”; "Đọc vị" nghĩa trang "nuốt" rừng phòng hộ Tam Đảo...
Theo quy hoạch, xây dựng công viên nghĩa trang tại núi Ngang, xã Bồ Lý (Tam Đảo) chỉ hơn 150 ha, chưa bằng 1/5 Công viên nghĩa trang Khoang Diệu trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội) quy mô 700 ha, chưa bằng 1/2 diện tích nghĩa trang Yên Kỳ thuộc huyên Ba Vì (Hà Nội) rộng 384 ha... mà gọi là “siêu nghĩa trang” thì mang tính cường điệu, có thể gây hiểu nhầm, bất lợi khi mới bắt đầu triển khai chủ trương đúng đắn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Vấn đề cốt lõi đặt ra là quy hoạch, xây dựng công viên nghĩa trang tại núi Ngang, xã Bồ Lý (Tam Đảo) liên quan đến môi trường và rừng phòng hộ thì giải quyết như thế nào?
Tại Tờ trình số 02/TTr-UBND ngày 4/1/2017 và Thông báo số 652-TB-TU ngày 9/1/2017 về quy hoạch, xây dựng công viên nghĩa trang tại Núi Ngang, xã Bồ Lý (Tam Đảo) đã nêu rõ: Việc quy hoạch, xây dựng Khu công viên nghĩa trang tại xã Bồ Lý (Tam Đảo) phù hợp với Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch chung xây dựng đô thị của Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, tại tại Mục g, Khoản 8, Điều 1 với nội dung: “Định hướng xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến năm 2030”, có nêu rõ việc xây dựng nghĩa trang tại Vĩnh Phúc: “Nhu cầu xây dựng đến năm 2030 là 200 ha; địa điểm xây dựng: Khu vực huyện Tam đảo 100 ha; Khu vực huyện Bình Xuyên 100 ha.
Việc quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang trên địa bàn tỉnh là cần thiết, nhằm từng bước hoàn thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc, đáp ứng nhu cầu mai táng của nhân dân, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Vĩnh Phúc hiện chỉ có 2 loại đất để làm nghĩa trang là đất canh tác nông nghiệp và đất gò đồi núi. Trong bối cảnh hiện nay phải dùng đất gò đồi núi ở phạm vi nhất định, chứ không thể dùng đất đang canh tác nông nghiệp để làm công viên nghĩa trang.
Cụ thể, chủ trương quy hoạch, xây dựng công viên nghĩa trang tại núi Ngang, xã Bồ Lý liên quan đến rừng phòng hộ. Đây là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ, cần sớm có ý kiến của các bộ, ngành có liên quan như Tài nguyên và Môi trường, nông lâm nghiệp..., các nhà khoa học trong việc thực hiện đánh giá, thẩm định tính khoa học của dự án, tránh tùy tiện, suy diễn, bình luận thiếu căn cứ, gây nhiễu thông tin, gây hoang mang trong dư luận trước một chủ trương đúng đắn.
Nhìn ra thế giới, các nước văn minh đã áp dụng việc xây dựng nghĩa trang tập trung từ rất lâu. Theo đó, hình thức này sẽ hạn chế được việc lãng phí nguồn đất, hạn chế ô nhiễm môi trường, do khi hỏa táng đã có hệ thống công nghệ xử lý khí, khói hiện đại. Khi chôn cất, hố đã được xây bằng bê tông, xi măng nên hạn chế tối đã việc thẩm thấu chất thải xuống lòng đất, do đó hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm nguồn nước, không khí…”.
Long Trần - Tuấn Anh
| |