Từ năm 2021 đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên duy trì mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội để giúp người dân Thủ đô cũng như người tiêu dùng cả nước có thêm các giải pháp để nhận diện, phân biệt hàng thật - hàng giả”, Tổng Cục trưởng thông tin và nhấn mạnh, tới đây, 62 Tràng Tiền sẽ là địa chỉ “đỏ”, mở cửa thường xuyên cung cấp các dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả để giúp người dân nâng cao ý thức tự phòng tránh, đẩy lùi nạn sản xuất kinh doanh, sử dụng hàng giả; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Cụ thể, phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả sẽ mở cửa từ ngày 25/11 đến hết ngày 30/11, trưng bày các sản phẩm là hàng giả, hàng nhái để người dân dễ phân biệt. Đây là hoạt động tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11) do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức.
Tại phòng trưng bày có trên 800 sản phẩm, gần 30 mặt hàng thuộc các lĩnh vực thời trang, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng… là những hàng hóa có nhu cầu mua sắm lớn dịp cuối năm.
Chia sẻ tại sự kiện mở cửa phòng trưng bày, bà Hoàng Thùy Dương, đại diện cho Tân Việt Book cho biết, sách thật của doanh nghiệp có bìa dày dặn, chữ nét in đầy đủ trên giấy chống lóa nhưng sách giả cũng tinh vi, xem kỹ thì thấy giấy mỏng, chữ in lóa, mờ hơn, màu sắc không rõ nét.
“Khi tham gia và tham quan tại phòng trưng bày của Tổng cục Quản lý thị trường, tôi rất bất ngờ vì hàng thật và hàng giả rất giống nhau nên cần phải có chuyên môn, xem xét kỹ lưỡng. Tôi mong muốn người tiêu dùng hãy là những người tiêu dùng thông minh, sáng suốt để phân biệt được sách thật và sách giả”, bà Hoàng Thùy Dương cho biết.
Còn ông Trần Sỹ Luận, Quản lý hệ thống King Coffee tại miền Bắc cho biết, là thương hiệu cà phê Việt ra mắt được 05 năm, phân phối ở nhiều vùng miền trên cả nước, hiện nay King Coffee cũng phải đối mặt với vấn nạn hàng giả, hàng nhái rất nhiều. “Khi nhận những phản ánh của khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái thì doanh nghiệp có ghi nhận lại và xem xét, tuy nhiên, để ngăn chặn hàng giả hàng nhái, doanh nghiệp đang rất yếu.
Do đó, việc Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức phòng trưng bày sẽ giúp người tiêu dùng tiếp nhận hình ảnh và phân biệt được hàng giả và hàng nhái, là động lực lớn cho công ty phát triển sau này”, ông Trần Sỹ Luận cho biết.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, Chính phủ chọn ngày 29/11 là Ngày phòng chống hàng giả Việt Nam. Phòng trưng bày mở cửa trong tháng 11/2022 rất ý nghĩa.
Cũng theo ông Linh, chuẩn bị cho cao điểm cuối năm và Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, lực lượng Quản lý thị trường đã có kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong công tác chống hàng giả, lực lượng Quản lý thị trường dự báo tình hình sau khi dịch COVID-19 đi qua thì hàng tồn, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu sẽ quay lại thị trường.
Trong 09 tháng đầu năm 2022 lượng hàng giả, hàng nhái trên thị trường khá nhiều tập trung tại nhiều thành phố lớn. Vì vậy, cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống hàng giả để phục vụ cho người tiêu dùng đón Tết an toàn.
“Chúng tôi tập trung kiểm tra, kiểm soát địa bàn trọng điểm tại các thành phố lớn, làng nghề, tuy nhiên cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thì việc kiểm tra, xử lý chỉ là giải quyết vấn đề ngọn thôi, còn lại quan trọng là làm sao tuyên truyền người dân, người mua hàng biết cách phòng tránh. Do đó, chúng tôi triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, phố biến, đặc biệt là duy trì phòng trưng bày hàng thật hàng giả để giúp người dân nâng cao nhận thức phòng chống hàng giả”, ông Trần Hữu Linh chia sẻ.
Lê Pháp (t/h)