Trên thực tế, nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực lớn như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ… đang đặt ra những yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn, môi trường, nhất là việc chuyển đổi xanh với các nhóm hàng nhập khẩu của Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, tuy thị trường thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức nhưng hoạt động xúc tiến thương mại đã mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.
Nhằm hỗ trợ hiệu quả các hoạt động thương mại, trong năm 2024, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài. Mặt khác, khai thác hiệu quả phương thức xúc tiến thương mại truyền thống; đổi mới, đa dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động này. Thành phố Hà Nội sẽ tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong mạng lưới cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp; quảng bá sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội...
Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng, tăng cường xúc tiến thương mại qua việc xây dựng chương trình xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn mang tính bền vững, liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh tại thị trường mục tiêu. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để đẩy mạnh xúc tiến thương mại; kết hợp hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch cũng như hoạt động quảng bá khác.
Đặc biệt, năm 2025, toàn ngành Công Thương phấn đấu đẩy mạnh xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, đa dạng hóa xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào những thị trường tiềm năng, ngành hàng chủ lực và ứng dụng công nghệ số. Để đạt mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường trong các hiệp định thương mại tự do nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường chủ lực, thị trường lớn; tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ xây dựng, triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại theo định hướng về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới, tận dụng cơ hội thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước. Đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua chương trình tư vấn cung cấp thông tin sâu, cập nhật về thị trường, dự báo thay đổi về chính sách thương mại, tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ triển khai xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chú trọng xúc tiến xuất khẩu sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; qua đó hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Minh Anh(t/h)