2023 là một năm hết sức khó khăn cho Việt Nam, nhất là trong sáu tháng đầu năm, khi sức cầu trong và ngoài nước đều giảm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục trong qúy III/2023 với GDP tăng 5,3% chủ yếu do các biện pháp kích cầu của Chính phủ. Thêm vào đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh giai đoạn cuối năm. Nếu tiếp tục đà này, tăng trưởng 7% trong qúy IV, GDP Việt Nam có thể tăng 5% cả năm 2023.
Theo các chuyên gia, để đánh giá triển vọng tăng trưởng trong năm 2024 và 2025, cần nhìn nhận tổng quan hơn về việc kinh tế có tính chu kỳ, cùng với đó xem xét các vấn đề có tính cơ cấu đang kìm hãm sự phát triển.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trung bình 5,2%/năm trong giai đoạn đầy biến động 2019-2023. Mức này thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng hiện nay là 5,5-6%. Một số tổ chức quốc tế đã dự báo tỷ lệ tăng trưởng trung bình 5,6%/năm trong giai đoạn 2023-2030.
Các ước tính này dựa trên cơ sở lực lượng lao động Việt Nam tăng khoảng 1%/năm, cộng với năng suất lao động tăng 4,5-5%/năm. Việt Nam còn nhiều dư địa và tiềm năng để cải thiện khi năng suất lao động vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Tất nhiên việc này không dễ thực hiện vì khuynh hướng chung của hầu hết các nước trên thế giới là càng ngày càng giảm mức tăng trưởng năng suất lao động.
Nói chung, mức tăng trưởng của Việt Nam trong một vài năm tới có thể dự báo nằm trong mức tăng trưởng tiềm năng 5,5-6%. Đây cũng là dự báo tăng trưởng của WB, IMF và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Trong thập niên đầu sau đổi mới (1990-1999) GDP tăng trưởng trung bình 7,4%/năm; đến thập niên 2000-2009 xuống 6,6%. Đó là tính theo số thống kê cũ, trước khi có sự điều chỉnh năm 2010 tăng GDP lên 25%.
Nếu Tổng cục Thống kê sửa lại số liệu GDP trước năm 2010 (chưa công bố) để hợp với số liệu sau năm 2010, khi đó, mức tăng trưởng trước năm 2010 còn cao hơn, ít nhất cũng trong khoảng 8-9%/năm. Tuy nhiên sau đó, trên cơ sở số liệu mới, GDP đã tăng trung bình 6%/năm trong thời gian 2010-2022.
Điều này có nghĩa là mức tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại từ năm 2010 khi GDP/đầu người chỉ mới 1.684 USD. Trong năm năm gần đây nhất, 2019-2023, thì chỉ còn 5,2%/ năm, khi GDP/đầu người đạt 4.164 USD, một phần là vì tác động của Covid-19. Nói chung, mức tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại khi mới phát triển GDP/đầu người đến mức độ còn thấp. Nếu tăng trưởng “chậm” và “sớm” như thế, Việt Nam khó bắt kịp với các nước con hổ Châu Á và nguy cơ tụt hậu sẽ tiếp tục ám ảnh.
Để giảm bớt nguy cơ tụt hậu, cần phải nâng cao năng suất lao động, theo các chuyên gia, Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách kinh tế, hoàn thiện cơ chế thị trường cạnh tranh lành mạnh, không bị lũng đoạn vì sự tham nhũng của các tập đoàn lợi ích; tăng cường hiệu năng của bộ máy hành chính; đào tạo công nhân viên có trình độ kỹ thuật đáp ứng với nhu cầu hiện nay; xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là cho công nghiệp số và công nghiệp xanh, thu hút và sử dụng tốt dòng đầu tư FDI đang được chuyển hướng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.
Ngoài ra, còn một vấn đề quan trọng nhưng chưa được chú ý đúng mức, đó là tình trạng nợ doanh nghiệp phi tài chính đã quá cao.
Theo Sách Trắng Doanh nghiệp 2023 do Tổng cục Thống kê vừa xuất bản, tỷ lệ dư nợ doanh nghiệp phi tài chính/GDP luôn tăng trong thời gian qua, lên tới 255% trong năm 2021, chủ yếu là nợ trong nước (nợ nước ngoài bằng ngoại tệ chiếm khoảng 10% (hay 103 tỷ USD tổng dư nợ). Tỷ lệ này cao nhất thế giới (có tỷ lệ nợ trung bình là 95%).
Ngược lại, việc mạnh dạn thanh lý toàn bộ các món nợ xấu và các doanh nghiệp đã phá sản (giá trị tài sản thấp hơn mức nợ phải trả + vốn chủ sở hữu) sẽ gây cú sốc làm kinh tế chậm lại hoặc suy thoái. Nhưng trong tương lai, điều này có thể lành mạnh hóa bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp và ngân hàng, làm cơ sở để có thể tăng trưởng ổn định và bền vững hơn.
Nói tóm lại, cần phải giải quyết tình trạng nợ doanh nghiệp phi tài chính quá cao, nếu không, nền kinh tế luôn luôn bị đe dọa bởi khủng hoảng nợ và tăng trưởng chậm.
Hải Dương (t/h)