Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa gạo là một trong những ngành hàng quan trọng hàng đầu. Chính phủ rất coi trong sản xuất lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bên cạnh gạo có nấm ăn, nấm dược liệu và các cây lương thực trên cạn…

GS.TS. Nguyễn Văn Tuất, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Trao đổi với phóng viên về vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, GS.TS. Nguyễn Văn Tuất, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết: Trong hơn 20 năm đổi mới, cùng với chính sách giao khoán, chính sách khuyến khích nhà khoa học và người nông dân, những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng vào sản xuất lúa gạo (kỹ thuật giống, kỹ thuật canh tác, cải tiến trong chuỗi sản xuất…). Nếu những năm 1980-1990, Việt Nam còn phụ thuộc vào giống nước ngoài, thì những năm gần đây,Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu thành công nhiều tổ hợp lúa lai chất lượng cao, thích ứng với điều kiện của Việt Nam (ví dụ HYT102, HYT103, HYT100,…).

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Tuất, thông tin về việc Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu các giống lúa chủ lực trong sản xuất, gieo trồng hiện nay là thiếu khách quan và không chính xác. Ngay cả khi ta nhập giống của bất kỳ nước nào, đội ngũ chuyên gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp phải khảo nghiệm và đánh giá lại khả năng chống chịu sâu bệnh, khả năng thích ứng với khí hậu, thời tiết của Việt Nam…

Trong giai đoạn từ 2006-2012, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã được Bộ NN&PTNT công nhận 396 giống cây trồng, trong đó công nhận chính thức 145 giống quốc gia và 251 giống sản xuất thử nghiệm. Viện đã cung cấp giống lúa cho khoảng 750-800 ngàn ha diện tích gieo trồng tại các tỉnh phía Bắc, nếu mỗi năm năng suất lúa tại các tỉnh miền Bắc tăng 10%, sẽ đạt sản lượng 350.000 tấn thóc/năm, tương đương thu nhập 1,2 ngàn tỉ đồng/năm. Hai đơn vị thành viên của Viện là Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cung cấp 80% giống lúa cho các tỉnh phía Nam.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Tuất về Khả năng cạnh tranh và triển vọng xuất khẩu, sản xuất lúa gạo cho thấy, sản lượng lúa gạo của Việt Nam không ngừng gia tăng, chất lượng sản phẩm cũng được cải thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước. Thái Lan có những giống lúa chất lượng cao, xuất khẩu đạt giá trị 700-800USD/tấn, Việt Nam cũng có các giống lúa chất lượng tốt, đạt giá trị xuất khẩu 600-800USD/tấn (AC5, lúa đặc sản).

Hiện nay, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai mô hình các cánh đồng mẫu lớn, đặc biệt là cánh đồng lúa thương mại tại miền Nam, chủ đạo sản xuất các giống có đặc tính tốt nhằm đáp ứng nhu cầu của những thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản…, dự kiến đạt giá trị xuất khẩu 700-800USD/tấn. Một số giống lúa mới của Viện có hàm lượng protein cao, một số giống đặc sản như nhóm TC, P6 đột biến, AC5, những giống lúa bản địa có nguồn gen quý như đặc tính thơm… đã được đưa vào sản xuất phục vụ nhu cầu trên.

GS.TS. Nguyễn Văn Tuất cho biết: Để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa lúa gạo cũng như các sản phẩm khác của ngành nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam ngoài những kinh nghiệm tích lũy thông qua quá trình nghiên cứu và áp dụng kết quả vào thực tiễn, Viện đã chủ động hợp tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học với gần 40 tổ chức nghiên cứu và phát triển của 22 quốc gia và vùng lãnh thổ và là thành viên các mạng lưới trong khu vực và quốc tế (IRRI, CYMMYT, CABI,  FFTC, AFACI, ECAST-GMS,…). 5/18 đơn vị thuộc Viện có văn phòng các dự án/tổ chức quốc tế và chuyên gia nước ngoài thường xuyên làm việc (NOMAFSI, AGI, FAVRI, CCRRI,…).

Về lĩnh vực lúa gạo, Viện lúa gạo quốc tế là trung tâm nghiên cứu hàng đầu của quốc tế về lúa gạo. Thời gian vừa qua, Viện trực tiếp mời các chuyên gia của Viện lúa gạo quốc tế vào làm việc, tư vấn cho ta những lĩnh vực còn thiếu và yếu như nghiên cứu và ứng dụng giống lúa năng suất chất lượng cao, chống chịu với dịch hại, điều kiện bất thuận; cơ chế chính sách khuyến khích nghiên cứu và sản xuất lúa gạo theo công nghệ mới; sản xuất lúa bền vững và ổn định. Về lĩnh vực cây trồng trên cạn, Viện chú trọng hợp tác với Viện nghiên cứu chuyên về ngô, lạc, đỗ tương phục vụ chiến lược phát triển ngành thức ăn chăn nuôi của Việt Nam, phát triển cây trồng là lợi thế của Việt Nam (mía, sắn, cây cao lương, khoai lang) nhằm sản xuất nhiên liệu sinh học thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.

Những Thành tựu của Viện được quốc tế công nhận được thể hiện trong nghiên cứu cơ bản, thành tựu giải mã gen lúa trong chương trình hợp tác nghiên cứu với Anh được quốc tế công nhận, dựa trên cơ sở di truyền đã nghiên cứu những giống mới, đạt được các mục tiêu chống chịu bất thuận của thời tiết, sâu bệnh và đưa vào giống mới tính trạng tốt tăng hàm lượng dinh dưỡng; Những nghiên cứu về kỹ thuật canh tác cây sắn, hệ canh tác chống xói mòn và thoái hóa đất của Viện đã được CIAT chuyển giao cho một số nước; Các chế phẩm sinh học, kỹ thuật chẩn đoán, phát hiện tác nhân gây hại trên cây lúa (lúa lùn xoăn lá) được quốc tế công nhận, coi là tư liệu trích dẫn; Chương trình quản lý cây trồng tổng hợp theo chuỗi, chỉ dẫn đăng ký theo tiêu chuẩn quốc tế đối với các sản phẩm nếp Tám thơm, nếp Cái hoa vàng, vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà, thịt bò H’Mông…

Cao Huyền – Lê Phương