Ngày 06/01, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã chủ động nắm tình hình, phát hiện và xác lập chuyên án đấu tranh với ổ nhóm sản xuất hàng giả là hóa chất cấy thép nhãn hiệu Ramset Epcon G5 do đối tượng Lương Biên Cương (sinh năm 1984, trú tại số 8 liền kề 2 đường 26 khu nhà ở Cán bộ chiến sĩ Tổng cục V, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Lương Gia Phát cầm đầu.

Theo đó, nhãn hiệu “Ramset” và “Epcon G5” là keo dán công nghiệp sử dụng khi xây dựng, thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Illinois Tool Work Inc (Hoa Kỳ) được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 388185, số 396011 ngày 31/07/2019.

Thực hiện kế hoạch đấu tranh, 11h30 ngày 03/01, tại tổ dân phố 11, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, TP. Hà Nội, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra phát hiện Nguyễn Xuân Tân, (sinh năm 1991 ở thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) đang bốc xếp 3 thùng cát tông đựng 45 sản phẩm hóa chất cấy thép, nhãn hiệu Ramset Epcon G5 Pro không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ là hàng giả, không phải là chính hãng.

Nguyễn Xuân Tân khai nhận, toàn bộ số hàng hóa trên do Lương Biên Cương chỉ đạo sản xuất, Cương vận chuyển số hàng giả đến 67 tập thể Bà Triệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông để cất giấu và đem tiêu thụ. Ngày 03/01, Tân lấy hàng giả từ địa chỉ trên đi giao cho khách thì bị Cơ quan Công an kiểm tra phát hiện.

Triệu tập đối tượng Lương Biên Cương tới làm việc được biết, năm 2012 Công ty TNHH đầu tư xây dựng Lương Gia Phát có kinh doanh thương mại và phân phối hóa chất cấy thép nhãn hiệu Ramset Epco G5 pro chính hãng. Sau một thời gian nắm được thị trường và thấy kinh doanh có lợi nhuận, từ khoảng đầu năm 2020 Cương đã nảy sinh ý định sản xuất keo giả để kiếm lời. Để sản xuất hàng giả, Cương đặt mua keo không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc, đặt mua vỏ tuýp đựng keo, tự đặt in tem nhãn giả.

Cương thuê 3 kho tại tổ 9, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông; tại thôn Vôi Đá, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ và tại số 383 đường Văn Miếu, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Cương trực tiếp thực hiện và thuê nhiều người trong đó có bố vợ đổ keo từ các thùng lớn sang chiết vào các tuýp. Sang chiết xong, Cương vận chuyển hàng bán thành phẩm về các địa chỉ công ty và các kho đã thuê để dán tem nhãn giả hoàn thiện sản phẩm và giao bán cho những người có nhu cầu sử dụng trên các trang mạng internet, phần mềm Shoppe, Ladada.

Lực lượng chức năng kiểm tra nơi sản xuất, cất giấu keo giả.
Lực lượng chức năng kiểm tra nơi sản xuất, cất giấu keo giả.

Khám xét khẩn cấp tại 6 địa điểm, công an đã thu giữ của các đối tượng: 1.083 sản phẩm hóa chất cấy thép giả nhãn hiệu Ramset Epcon G5, trị giá so với hàng thật là: 747.868.000 đồng cùng nhiều sản phẩm nhãn hiệu khác, sản phẩm chưa hoàn thiện; nguyên liệu, công cụ, nhiều tem nhãn dùng để sản xuất hàng giả.

Phòng Cảnh sát kinh tế nhận định, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là hóa chất cấy thép nhãn hiệu Ramset Epcon G5 của các đối tượng là nguy hiểm cho xã hội đã phạm vào tội Sản xuất hàng giả, quy định tại Điều 192 Bộ Luật hình sự. Sản phẩm keo giả khi được tiêu thụ sử dụng tại các công trình xây dựng không đảm bảo an toàn các công trình, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và an toàn của người dân khi sinh sống, làm việc tại các công trình này.

Hiện vụ việc đang được điều tra mở rộng.

PV (t/h)