Theo đó, trong tháng 8, xuất khẩu  dệt may đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 6% so với tháng 7 và giảm 21,5% so với tháng 8/2022.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành dệt may đã hoàn thành 65% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2023.

Thống kê cũng cho thấy, tất cả mặt hàng dệt may đều tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm may mặc đạt 20,5 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ và chiếm 78,5% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 8 tháng đầu năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đó, tại cuộc họp chuyên đề tháng 8 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex cho biết, trong 7 tháng đầu năm, chỉ có thị trưởng Nhật Bản tăng trưởng 3% so cùng kỳ 2022 với kim ngạch 2,2 tỷ USD.

Các thị trường chính như Mỹ, EU và Hàn Quốc... đều lần lượt giảm 24%, 10% và 8% so với cùng kỳ 2022. Thị trường Trung Quốc dù có tháng 7 có mức tăng trưởng tốt, nhưng lũy kế 7 tháng vẫn giảm 10% so với năm 2022.

Ông Vương Đức Anh cho rằng, lực cầu thấp của ngành may mặc có thể kéo dài sang năm 2024. Thị trường những tháng cuối năm, chưa có động lực tăng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội cuối năm...

Minh Đức