THCL Trong câu chuyện hội nhập, tất cả các doanh nghiệp phải lên sàn đấu. Chúng ta phải chấp nhận việc có doanh nghiệp đổ vỡ. Doanh nghiệp nào đã mạnh là mạnh thật sự. Không nên để tình trạng tất cả đều sống, nhưng có trường hợp dở sống, dở chết.

Đã ra biển lớn sẽ phải gặp sóng to, song không còn cách nào khác là phải vươn lên mạnh mẽ. Ảnh Toquoc.gov.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển chia sẻ điều này trên Báo điện tử Đại biểu nhân dân.

Nói về câu chuyện hội nhập, ông Hiển mừng vì vừa qua chúng ta đã ký kết thành công một số hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu và đang tiến tới kết thúc đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên châu Á - Thái Bình Dương (TPP).

Thừa nhận vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh việc chúng ta có đủ sức để nắm bắt được cơ hội mà các hiệp định này mang lại hay không, nhưng ông Hiển nhấn mạnh rằng, chúng ta phải bảo đảm việc hội nhập càng nhanh càng tốt.

Theo ông, “đã ra biển lớn sẽ phải gặp sóng to, thậm chí có những con thuyền có thể bị gãy cột buồm, nhưng với tinh thần là gãy cột buồm này ta phải dựng cột buồm khác, không còn cách nào khác là phải vươn lên mạnh mẽ”.

Về tư duy phát triển, ông Hiển cho rằng, phải đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng và thực hiện nguyên tắc kinh tế thị trường. Phải lấy hội nhập làm môi trường phát triển và lấy kinh tế thị trường làm nguyên tắc điều hành nền kinh tế.

“Có như thế mới có thể nắm bắt được cơ hội và hạn chế tối đa khó khăn, thách thức, chứ nếu chỗ này, chỗ kia còn tư duy bao cấp thì chưa thể hết khó khăn” – ông Hiển nói.

Tiếp đó, ông Hiển nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Dẫn ví dụ vừa qua, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp đã được giảm từ hơn 800 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm, ông Hiển khẳng định kết quả này giúp giảm rất nhiều chi phí cho xã hội, đó là một kết quả rất tốt.

Cuối cùng khi nói về doanh nghiệp trong hội nhập, ông Hiển chia sẻ: “Trong câu chuyện hội nhập này, quan điểm của tôi là tất cả các doanh nghiệp phải lên sàn đấu. Thậm chí chúng ta phải chấp nhận việc có doanh nghiệp đổ vỡ. Doanh nghiệp nào đã mạnh là mạnh thật sự. Không nên để tình trạng tất cả đều sống, nhưng có trường hợp dở sống, dở chết. Không đâu cọ xát chính bằng chính thị trường cạnh tranh. Môi trường cạnh tranh của thị trường làm cho các doanh nghiệp phát triển. Khi bảo đảm tính bình đẳng trước cơ chế thị trường thì sẽ bảo đảm tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh”.

Theo Chinhphu.vn