Tên lửa hành trình chống hạm của Trung Quốc (Ảnh: Twitter)
Trung Quốc, trong 30 ngày qua đã triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không trên đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, CNBC News hôm qua dẫn các nguồn tin am hiểu trực tiếp báo cáo tình báo Mỹ cho biết.
Nếu thông tin được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai tên lửa tới các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Giới chức Trung Quốc chưa phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng không bình luận về "các thông tin liên quan đến tình báo".
Các nguồn tin giấu tên cho biết tên lửa hành trình do Bắc Kinh triển khai là loại YJ-12B được sử dụng để tấn công tàu chiến mặt nước từ phạm vi 545 km. Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa được lắp đặt trên các đảo nhân tạo là HQ-9B với tầm bắn gần 300 km, có thể tấn công các máy bay không người lái, máy bay quân sự và tên lửa hành trình đối phương.
Tháng trước, Đô đốc Philip Davidson, người được đề cử làm Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, cho biết các cơ sở hạ tầng Trung Quốc xây dựng phi pháp tại Biển Đông gần như đã hoàn chỉnh và điều còn thiếu duy nhất là "các lực lượng được triển khai". Theo Davidson, Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống xung đột với Mỹ.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Từ năm 1988, nước này cho quân chiếm đóng trái phép một số đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa. Vài năm gần đây, Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo và xây đường băng, đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay quân sự hạng nặng.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp. Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc dừng các hành động trái phép, làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Cao Huyền