Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo - Hình 1

Một trung tâm mua sắm đang được xây dựng ở Trùng Khánh, Trung Quốc, hôm 13/7/2017 - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố sáng 17/7 cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng trưởng 6,9% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, so với dự báo tăng 6,8% mà giới phân tích đưa ra.

Từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc liên tục vượt dự báo trong bối cảnh xuất khẩu hồi phục và xây dựng bất động sản bùng nổ. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này cũng có thể suy giảm trong thời gian còn lại của năm do các biện pháp hạ sốt giá nhà và tác động của mức vay nợ cao đối với nền kinh tế.

“Nhìn chung, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng vững trong nửa đầu năm… nhưng những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn khá lớn, và tình trạng mất cân đối cơ cấu mang tính dài hạn của nền kinh tế trong nước vẫn tiếp diễn”, một tuyên bố của Tổng cục Thống kê Trung Quốc có đoạn viết.

Năm nay, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,7% đạt được vào năm ngoái - mức tăng thấp nhất trong 26 năm.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 7,6% trong tháng 6, mức tăng mạnh nhất trong 3 tháng, trong khi đầu tư tài sản cố định tăng 8,6% trong 6 tháng đầu năm, vượt dự báo. Doanh thu bán lẻ tháng 6 tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2015 và vượt dự báo.

Sự khởi sắc nhu cầu của thị trường toàn cầu có thể sẽ giúp ích nhiều cho Trung Quốc. Ngoài ra, nhà chức Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh những nỗ lực cải cách nguồn cung nhằm cắt giảm công suất dư thừa của các ngành thép và than.

Số liệu công bố vào tuần trước cho thấy cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 đều tăng trưởng mạnh hơn dự báo. Sự khởi sắc trong lĩnh vực thương mại có thể đã giúp bù đắp lại sự suy giảm trong những lĩnh vực khác của nền kinh tế Trung Quốc.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích do hãng tin Reuters thực hiện, GDP của Trung Quốc có thể tăng 6,6% trong năm nay, với tốc độ tăng trưởng suy giảm đều đặn trong quý 3 và 4.

Đầu năm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã chuyển sang khuynh hướng thắt chặt nhẹ chính sách tiền tệ, định hướng cho lãi suất trên thị trường tăng nhẹ trong quý 1. Tuy nhiên, vào tháng trước, PBoC đã bơm một lượng thanh khoản khá lớn vào hệ thống tài chính nhằm tránh để xảy ra tình trạng khan hiếm thanh khoản vào cuối quý trong bối cảnh Bắc Kinh siết quy chế giám sát nhằm buộc các ngân hàng giảm nợ.

Thăng Điệp - vneconomy