Chuyến thăm của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tới Trung Quốc là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Châu Âu kể từ khi EU đề xuất mức thuế nặng đối với việc nhập khẩu xe điện do Trung Quốc sản xuất để chống lại những gì EU cho là trợ cấp quá mức.
Bộ trưởng Habeck cho biết cần có thời gian để đối thoại giữa EU và Trung Quốc về các vấn đề thuế quan trước khi thuế có hiệu lực đầy đủ vào tháng 11 và ông tin vào thị trường mở nhưng thị trường đòi hỏi một sân chơi bình đẳng. Ông cho biết các khoản trợ cấp đã được chứng minh nhằm mục đích tăng lợi thế xuất khẩu của các công ty không thể được chấp nhận.
Mức thuế tạm thời lên tới 38,1% của EU đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được áp dụng từ ngày 4/7, và cuộc điều tra sẽ tiếp tục cho đến ngày 2/11, khi các mức thuế cuối cùng có thể được áp dụng.
“Điều này mở ra một giai đoạn trong đó các cuộc đàm phán có thể diễn ra, các cuộc thảo luận rất quan trọng và cần có cuộc đối thoại”, Bộ trưởng Habeck cho biết.
Bộ trưởng Habeck nói với các quan chức Trung Quốc trong cuộc gặp tại Bắc Kinh rằng đề xuất thuế quan của EU đối với hàng hóa Trung Quốc không phải là một hình phạt. Ông cho biết, các quốc gia như Mỹ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng thuế quan trừng phạt, nhưng EU thì không, “Châu Âu làm những điều khác biệt”.
Ủy ban Châu Âu đã kiểm tra chi tiết trong 9 tháng xem liệu các công ty Trung Quốc có được hưởng lợi một cách không công bằng từ các khoản trợ cấp hay không.
Bộ trưởng Habeck cho biết, bất kỳ biện pháp thuế đối kháng nào do EU xem xét “không phải là một hình phạt”, đồng thời cho biết thêm rằng các biện pháp đó nhằm bù đắp cho những lợi thế mà Trung Quốc dành cho các công ty nước này.
Zheng Shanjie, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi sẽ làm mọi cách để bảo vệ các công ty Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, các mức thuế đề xuất của EU đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất sẽ gây tổn hại cho cả hai bên.
Ông Zheng cũng bác bỏ cáo buộc về trợ cấp không công bằng, cho rằng sự phát triển của ngành năng lượng mới của Trung Quốc là kết quả của lợi thế toàn diện về công nghệ, thị trường và chuỗi cung ứng công nghiệp được thúc đẩy trong sự cạnh tranh khốc liệt.
Sự tăng trưởng của ngành “là kết quả của sự cạnh tranh, chứ không phải là trợ cấp, chứ chưa nói đến cạnh tranh không lành mạnh”, ông Zheng cho biết.
Hà Trần (t/h)