Lạm phát đang có xu hướng tăng cao trên toàn cầu. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng tới 6,2% trong tháng 10 so với một năm trước đó, mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/1990.
Theo các nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá năng lượng và lương thực tăng đã đẩy lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia và những yếu tố này có thể tiếp tục thúc đẩy lạm phát vào năm 2022, đặc biệt là giá lương thực. Nguyên nhân do nhu cầu đã tăng trở lại nhờ các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến. Bên cạnh đó, sự gián đoạn nguồn cung do đại dịch Covid-19, biến thể mới Omicron và biến đổi khí hậu, cũng như sự thay đổi chi tiêu cho hàng hóa thay vì dịch vụ đã làm tăng áp lực giá cả. Ngoài ra, áp lực tiền lương tại một số phân khúc thị trường lao động...
Lạm phát tăng nhanh đã khiến nhiều ngân hàng Trung ương thế giới bắt đầu thu hẹp lại các biện pháp nới lỏng tiền tệ, thậm chí là thắt chặt lại chính sách. Theo thống kê của NHNN, từ đầu năm đến nay, thế giới đã chứng kiến 93 lượt tăng lãi suất của các NHTW, trong đó riêng từ tháng 09/2021 đến nay đã chứng kiến 50 lượt tăng lãi suất.
Đặc biệt tại cuộc họp chính sách tháng 11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản từ 120 tỷ USD/tháng xuống còn 105 tỷ USD/tháng ngay từ cuối tháng 11 và dự kiến sẽ kết thúc chương trình này vào giữa năm tới. Cơ quan này còn phát đi tín hiệu có thể tăng lãi suất trong năm 2022 ngay sau khi chương trình mua tài sản kết thúc.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà thông tin: NHNN sẽ theo dõi sát tình hình để đưa ra những chính sách ứng phó kịp thời kiểm soát lạm phát hiệu quả, ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu cao nhất là ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là trong bối cảnh nợ xấu gia tăng.
Giá cả nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu tăng nhanh; trong khi Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP là 200% nên áp lực nhập khẩu lạm phát là khá lớn. Trong nước, nền kinh tế cũng đang phục hồi khi nhiều địa phương mở cửa trở lại cũng sẽ tạo thêm áp lực đến lạm phát.
Bởi vậy theo các chuyên gia, mặc dù lạm phát năm nay chắc chắn sẽ được kiểm soát dưới 4% như mục tiêu đã đề ra, song không thể chủ quan trước áp lực lạm phát trong năm tới. Nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo, lạm phát của Việt Nam trong năm tới khoảng 3,5 - 4%, rủi ro lạm phát vượt 4% phụ thuộc vào giá cả hàng hoá thế giới.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, thời gian tới NHNN vẫn sẽ kiên định với việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời tiếp tục theo dõi sát diễn biến nguy cơ lạm phát hiện hữu nhằm kiểm soát tiền tệ.
NHNN cũng sẽ cân đối điều hành lãi suất trong tương quan với lạm phát và lợi ích của người gửi tiền. Tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, nếu điều kiện cho phép có thể xem xét điều chỉnh giảm lãi suất ở mức phù hợp.
“NHNN sẽ cùng hệ thống ngân hàng đồng hành với nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định.
Q.N (t/h)