Thực tế, từ trường đại học trở thành đại học là cả một quá trình phát triển với nhiều công sức, trí tuệ của cả người thầy và các thế hệ học trò.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Theo Luật Giáo dục Đại học, trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trong khi đại học sẽ đào tạo trên nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có nhiều ngành. Do đó, đại học sẽ bao gồm các trường đại học.

Để chuyển từ trường đại học thành đại học, Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ quy định các trường cần đảm bảo ba điều kiện: Thứ nhất, được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; Thứ hai, có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sỹ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; Thứ ba, được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thì sự thay đổi từ trường đại học thành đại học không dừng lại ở tên gọi, mà là định hướng phát triển. Bộ trưởng phân tích: Mô hình đại học thích hợp với một hệ thống lớn, số lượng cán bộ, giảng viên và sinh viên đông, đa dạng.

Mô hình này vừa đảm bảo sự tự chủ và điều hành thống nhất, vừa tạo điều kiện cho từng đơn vị trực thuộc có quyền tự chủ, giúp cả hệ thống tăng sự năng động, sáng tạo.

Ngày 15/11, Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ trở thành đại học thứ 9 của Việt Nam, bên cạnh Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Duy Tân. Trong đó, Đại học Duy Tân là đại học tư thục đầu tiên ở nước ta.

PV