Ngày 29/5 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED Communication) – Tổ chức thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) – hợp tác với tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo 'Báo chí với Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp'.  Hội thảo nằm trong dự án 'Hỗ trợ công cụ về quản lý và báo cáo bền vững dành cho doanh nghiệp' do chính phủ Thụy Sỹ hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tến xã hội giai đoạn 2017 -2020.

Truyền thông về 'Báo cáo phát triển bền vững' lợi đôi đường Doanh nghiệp – Báo chí - Hình 1

Báo cáo phát triển bền vững giúp doanh nghiệp xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và bền vững

Phát triển bền vững đang là xu hướng được thế giới hướng tới trong vài thập kỷ qua. Các tổ chức ngày càng ý thức về việc chịu trách nhiệm cho những tác động đến môi trường, kinh tế xã hội do mình tạo ra trong toàn bộ chuỗi giá trị. Các nội dung liên quan tới phát triển bền vững gồm: Quản lý nguồn nguyên liệu, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, chính sách liên quan đến người lao động… Báo cáo phát triển bền vững được coi là công cụ công bố, giải trình, minh bạch thông tin và cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các bên liên quan về hoạt động của mình.

Trong quá trình thảo luận, các nhà báo được nâng cao năng lực nhận thức về các nội dung để phát triển bền vững của doanh nghiệp và khai thác các dữ liệu trong các báo cáo. Qua đó kêu gọi báo chí hưởng ứng, chung tay trong việc thú đẩy tăng cường nhận thức của xã hội về giá trị của báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp.

“Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 6/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán” được coi là văn bản mở đầu cho Báo cáo Phát triển bền vững tại Việt Nam. Cũng có thể coi đây là văn bản pháp lý đầu tiên yêu cầu công bố thông tin về phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết”, ông Đậu Huy Sáu, Phó tổng Biên tập Thời báo Tài chính nói.

Tại Việt Nam, ngay từ khi chưa có quy định pháp lý bắt buộc lập báo cáo bền vững đã có các doanh nghiệp, tập đoàn  tiên phong trong lập báo cáo phát triển bền vững như: Tập đoàn Bảo Việt, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí, Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai….Song, con số đó còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 4% doanh nghiệp Việt.

Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VCCI) chia sẻ: Vai trò của Báo cáo phát triển bền vững đối với doanh nghiệp nhằm đo lường các nỗ lực phát triển bền vững và quản trị các rủi ro trong quá trình hoạt động; cải thiện khả năng nhận biết của doanh nghiệp về cơ hội kinh doanh mới, hỗ trợ chuẩn bị xu hướng phát triển mới, phân cấp trách nhiệm và cải thiện hệ thống quản lý… để dần nâng cao hiệu quả hoạt động.

Truyền thông về 'Báo cáo phát triển bền vững' lợi đôi đường Doanh nghiệp – Báo chí - Hình 2

Lợi ích Báo cáo phát triển bền vững đem lại cho doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc GRI Vietnam cho rằng: Ngày càng có nhiều công ty trên khắp thế giới thực hiện Báo cáo phát triển bền vững. Qua đó thể hiện rõ nét các tác động đối với kinh tế - xã hội như: Ô nhiễm môi trường, tệ nạn tham nhũng, biến đổi khí hậu và quyền con người... Báo cáo này giúp các công ty trên thế giới, trong đó có các công ty tại Việt Nam sử dụng báo cáo phát triển bền vững để tiếp cận tốt hơn với các chuỗi giá trị toàn cầu. Đối với báo chí, Báo cáo phát triển bền vững là “mỏ vàng” thông tin bên cạnh các Báo cáo tài chính.

Tổ chức quốc tế độc lập đi tiên phong trong lĩnh vực Báo cáo phát triển Bền vững -  GRI được thành lập từ năm 1997có trụ sở chính đặt tại Hà Lan. Từ một báo cáo đặc thù về phát triển bền vững, GRI đã chuyển đổi thành một tiêu chuẩn được công nhận bởi hơn 10.000 tổ chức trên 110 quốc gia; được 93% các tập đoàn lớn trên thế giới áp dụng với kho dữ liệu công khai lên đến hơn 40.000 báo cáo./.

An Nhiên