Thiên tai cũng làm 217.829ha lúa và hoa màu bị đổ dập, 30.666ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại, 27.155 gia súc, 458.790 gia cầm bị chết, 11.047ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, mất trắng. Ngoài ra, thiên tai còn làm 343km đê, kè, kênh mương và bờ bao bị sạt trượt, gần 66km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, hơn 8,26 triệu mét khối đất đá đường giao thông bị sạt trượt…Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra ước tính khoảng 15.000 tỷ đồng.
Mới nhất, mưa lũ, sạt lở đất, lốc xoáy do hoàn lưu của cơn bão số 8 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên. Tính đến 5h sáng nay (19/11), đã có 17 người chết và mất tích (tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Cơn bão số 8 đã gây thiệt hại nặng nề cho Nha Trang
Mưa lũ, sạt lở đất cũng khiến 34 người khác bị thương, 198 nhà bị đổ sập, hư hỏng, tốc mái, nhiều tuyến đường tại Ninh Thuận và TP Nha Trang bị ngập và hư hỏng một số công trình thủy lợi nhỏ.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngoài Biển Đông đã hình thành áp thấp nhiệt đới và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13h ngày 21-11, tâm bão cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 220km; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Thời gian tiếp theo, bão đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 22-11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 80km về phía Đông; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Đến 13h ngày 23-11, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 200km về phía Đông; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12…
Trên đất liền, bộ phận không khí lạnh tăng cường tiếp tục di chuyển về phía Nam. Do vậy, từ đêm 21-11, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ trở rét, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16-19 độ C, vùng núi có nơi 13-15 độ C. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ chiều tối 21-11 khu vực Bắc Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông; từ ngày 22-11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Đối với khu vực TP Hà Nội, từ đêm 21-11 có mưa, mưa rào; trời trở rét, nhiệt độ thấp nhất 17-19 độ C…
Trước những thiệt hại và mất mát to lớn của người dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác ở khu vực Nam Trung Bộ tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho địa phương khi có yêu cầu.
Diệp Bắc