Liên tiếp đầu tư nhà máy

Nhà máy xe bus mới có vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, công suất 20.000 xe/năm, đảm bảo tiết kiệm năng lượng theo chuẩn IATF 16949:2016 vừa được Công ty Ô tô Trường Hải (Trường Hải) đưa vào hoạt động không phải là nhà máy đầu tiên mà doanh nghiệp này đầu tư vào xe bus.

Từ năm 2005, Trường Hải đã nghiên cứu và sản xuất lắp ráp xe bus trong cùng nhà máy sản xuất xe tải trên quan điểm quản trị “kết hợp tạo lợi thế, chuyên biệt để hiệu quả”, nhằm đúc kết kinh nghiệm và nghiên cứu công nghệ sản xuất xe bus cho riêng mình.

Tự tin xuất khẩu xe bus - Hình 1

Robot hàn ống xả

Những chiếc xe bus đầu tiên được Trường Hải lắp ráp đã bước đầu được thị trường chấp nhận và hiện diện trong đội xe của nhiều công ty vận tải hành khách lớn ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước như Phương Trang, Thành Bưởi, Vận tải Hà Nội, Du lịch Hà Sơn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, tới tháng 6/2011, Trường Hải đã quyết định khởi công xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy chuyên biệt sản xuất xe bus. Tại nhà máy này, nhân lực của Trường Hải đã tham gia thiết kế và chế tạo nhiều trang thiết bị với tỷ lệ nội địa hoá tới 80%.

“Chúng tôi liên tục đầu tư, cải tiến công nghệ và nâng cao công suất từ 3.000 lên 5.000 xe/năm. Từ việc sử dụng khung gầm nhãn hiệu Hyundai, đến năm 2013, Trường Hải đã tự thiết kế và sản xuất nội địa hóa khung gầm nhãn hiệu THACO và nâng tỷ lệ nội địa hóa toàn bộ xe lên đến 50%. Đến nay, đã có hơn 14.000 xe bus được Trường Hải bán ra thị trường với đầy đủ các phân khúc, chiếm 54% thị phần. Đặc biệt, xe khách giường nằm Thaco Mobihome dẫn đầu thị trường với 86% thị phần”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Trường Hải cho hay.

Không dừng lại với những gì đã có, thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập ASEAN vào năm 2018, đồng thời đón đầu xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4,  năm 2016, ông Dương lại quyết định đầu tư, xây dựng mới các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô: xe tải, xe bus, xe con, xe chuyên dụng và tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ theo hướng tự động hóa và đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40%, nhằm đảm bảo vị trí đứng đầu tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu sang các nước ASEAN. Trong số này, Nhà máy Bus Thaco có quy mô lớn và hiện đại nhất ASEAN với định vị công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường.

Tự tin “Made in Vietnam”

Nhà máy Bus Thaco có quy mô đầu tư 7.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 20.000 xe/năm (gồm 8.000 xe bus và 12.000 xe minibus), với diện tích nhà xưởng là 8 ha trên tổng diện tích 17 ha. Tại Nhà máy, hệ thống xử lý nước thải được thiết kế với công suất 20 m3/h, tự động hóa từ khâu quản lý đến vận hành, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/ BTNMT), đảm bảo tiêu chuẩn xanh, tiết kiệm năng lượng theo IATF 16949: 2016.

Điểm ấn tượng nhất trong Nhà máy Thaco Bus là dây chuyền sơn tĩnh điện có chiều dài bể là 15 mét, gồm 10 bể, được vận hành tự động. Đây cũng là dây chuyền sơn tĩnh điện cho xe bus duy nhất tại ASEAN và nằm trong số 22 dây chuyền sơn tĩnh điện đang có trên thế giới tính đến thời điểm này. Dường như mục tiêu của Trường Hải không chỉ dừng lại ở thị trường các nước trong khu vực, mà còn tiến tới xuất khẩu sang Mỹ, bởi chuẩn khung body của xe bus tại đây dài là 13,7 mét.

Nhà máy Thaco Bus có Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D) với nhiều trang thiết bị và phần mềm thiết kế hiện đại, cùng đội ngũ kỹ sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm, có thể nghiên cứu thiết kế các sản phẩm với đầy đủ chủng loại xe, từ trung cao cấp đến cao cấp và theo mục đích sử dụng từ xe bus nội thành, liên tỉnh, xe ghế ngồi, xe giường nằm, xe bus chuyên dụng, có kiểu dáng và nhận diện hoàn toàn mới với kết cấu khung gầm monocoque (body và chassis liền khối), đảm bảo trọng lượng xe nhẹ nhất và vận hành êm dịu nhất, sử dụng động cơ khí thải đạt tới cấp Euro 6, theo tiêu chuẩn của Nhật Bản và châu Âu.

Tỷ lệ nội địa hoá của xe bus thương hiệu THACO đạt trên 60%.

Cũng trong lễ khánh thành Nhà máy Thaco Bus mới, Trường Hải đã ký thỏa thuận thương mại xuất khẩu bước đầu sang các thị trường, Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Campuchia, với tổng doanh số 1.150 xe, trong đó riêng năm 2018 ít nhất là 550 xe.

Ông Dương cho hay, mặc dù thị trường trong nước còn nhỏ, ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ, nhưng với chính sách đúng đắn của Chính phủ và sự nỗ lực của doanh nghiệp, Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh được ở thị trường khu vực trong bối cảnh hội nhập, góp phần giảm nhập siêu trong ngành sản xuất, kinh doanh ô tô.

PV