Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam đánh giá triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn "rộng cửa" trong dài hạn, trong đó phải kể đến chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Mặt khác, một nước xuất khẩu quan trọng là Pakistan cũng vừa trải qua trận lũ lịch sử làm ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn cung.
Đáng chú ý, những thị trường khó tính như: Châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu khi người tiêu dùng đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Một thương nhân tại TP. Hồ Chí Minh cho hay giá gạo tăng do hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi, trong khi Indonesia đang tích cực mua thêm để cải thiện dự trữ quốc gia. Thương nhân này cho biết, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 15/03 sẽ thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu, bao gồm cả xuất khẩu gạo.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được chào bán ở mức 382 -387 USD/tấn, giảm so với mức 385-390 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang miền nam Andhra Pradesh cho biết, đồng Rupee giảm khiến giá xuất khẩu gạo giảm theo và nhu cầu từ các quốc gia Châu Phi cũng yếu.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 455 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức 460 USD/tấn trong tuần trước. Theo một thương nhân tại Bangkok, những thay đổi về tỷ giá đã tác động đến giá cả. Ngoài ra, cung và cầu của thị trường không có biến động. Đồng tiền suy yếu khiến hàng hóa xuất khẩu từ nước này rẻ hơn khi tính theo đồng USD.
Công Huy (t/h)