Ít nhất một máy bay trực thăng chuyên dụng phục vụ việc kéo cáp mồi trị giá hàng chục nghìn đô la đã vĩnh viễn nằm lại do gặp sự cố. Việc vận chuyển nguyên vật liệu, thiết bị bằng cơ khí hoàn toàn bất khả thi.
Sự khốc liệt của núi rừng Hoàng Liên đã phá vỡ mọi tính toán thông thường của Garaventa. Và đây cũng chính là lý do khiến cho việc thi công “cây cầu” nối tới nóc nhà Đông Dương trở nên… dị thường không giống bất kỳ một công trình tương tự nào trước đó.
Tuyến cáp mẹ sơ khai
Rất ít người biết rằng: Tuyến cáp 3 dây hiện tại dùng để chuyên chở hành khách ngày ngày chinh phục đỉnh Fansipan không phải là tuyến đầu tiên nối Sapa với điểm cao 3143m. Trên thực tế, tuyến cáp mẹ sơ khai mang cái tên đầy chất kỹ thuật: LCS mới là sợi dây liên lạc sớm nhất giữa hai địa điểm. Ra đời đầu năm 2015, LCS được coi như xương sống gánh đỡ và quyết định toàn bộ thành công của dự án.
Tháng 7/2014, sau 8 tháng chính thức khởi công, tiến độ thực hiện các hạng mục vẫn hết sức ì ạch. Việc vận chuyển vật liệu thủ công bằng sức người thuần túy lúc này đã không đáp ứng được yêu cầu. Vấn đề sống còn là phải thiết lập được cáp công vụ chạy dọc tuyến để có thể đưa máy móc, bê tông và sắt thép kích cỡ lớn hơn vào công trường.
Là người trực tiếp tham gia giám sát, ông Phan Tất Thắng (Phó Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan Sapa) kể lại: “Vào thời điểm đó, chuyện xây cáp công vụ là bắt buộc. Nếu không, toàn bộ dự án sẽ bị vỡ trận”.
Từ Thụy Sỹ, nhóm chuyên gia của Doppelmayr và Garaventa bay thẳng sang Việt Nam để khảo sát toàn diện hướng tuyến, cao độ, quan trắc môi trường… trước khi đưa ra phương án thực hiện. Cùng thời điểm, tổng kiến trúc sư Phạm Đức Hùng cùng đội tinh nhuệ từng kiến tạo nên cáp Bà Nà cũng được huy động ra Bắc. Những chuyến băng rừng, vượt núi cứ nối tiếp ngày qua ngày. Dữ liệu về thời tiết, địa chất, sức gió trong nhiều năm được cập nhật liên tục. Tất cả đều căng mình, dồn toàn lực vào mục tiêu dựng bằng được… xương sống đầu tiên cho Fansipan.
Ý tưởng ban đầu từ Garaventa là sẽ tiến hành kéo cáp bằng trực thăng hoặc khinh khí cầu như đã từng làm ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, khi đối mặt với gió quẩn Ô Quy Hồ và những vách núi sừng sững, dựng đứng của dãy Hoàng Liên, kế hoạch ấy ngay lập tức phá sản. Cộng thêm yêu cầu không được phạt rừng, kê gỗ để kéo dây từ phía chủ đầu tư nên cách duy nhất khả thi là dùng sức người đưa cáp chạy sâu vào lòng núi.
Sigrist Reto – kỹ sư của Garaventa đã từng rất ngạc nhiên trong những ngày đầu đến với những công trường sâu trong rừng quốc gia. Nhìn cảnh từng tốp công nhân nhễ nhại mồ hôi, lưng gù hẳn đi để những cấu kiện sắt thép đã tháo rời nối đuôi nhau vượt dốc, băng suối, Reto phải thốt lên: “Không quốc gia nào có cách làm như ở đây cả”. Thậm chí, các đồng nghiệp của Reto còn dự báo, nếu cứ thực hiện một cách thủ công chỉ bằng cuốc, xẻng, xà beng… thì sẽ phải mất tới 5 năm, công trình mới có… cơ may vận hành.
Tuy nhiên, trái ngược với nghi ngại của những “ông Tây bi quan”, chỉ vài tháng cần mẫn “vác voi lên núi”, những nền móng đầu tiên của “tuyến mẹ” dần được định hình. Các trụ thép nặng mấy trăm kg lần lượt mọc lên sừng sững, chuẩn bị sẵn sàng đón những bó cáp đầu tiên vắt qua.
Nguyễn Xuân Hậu, nhân chứng hiếm hoi của thời kỳ đầu kéo LCS vẫn nhớ như in từng công đoạn ngày đó: “Việc đầu tiên là phải tạo dây mồi. Lúc này, một nhóm công nhân sẽ vác bộ theo các sợi cáp có đường kính 6mm trải ra từng đoạn. Các sợi cáp riêng biệt này sau khi đấu nối với nhau thành một đường dài sẽ được đưa lên các trụ công vụ rồi sử dụng máy tời nhỏ để kéo dần”.
“Nghe đơn giản thế thôi, nhưng thực tế để mang được cuộn cáp dài hàng trăm mét rải dọc rừng Hoàng Liên lại vô cùng khó khăn”, Tâm – một “cựu binh” tham gia dựng tuyến LCS từ những ngày đầu tiên nói.
Do yêu cầu không được chặt cây nên bắt buộc cánh thợ phải kéo nổi, cứ cầm sợi cáp mà đi, khi nào gặp cây cao, anh em lại phải trèo lên như người rừng để vắt dây qua ngọn. Tâm không thể nhớ nổi, đã bao nhiêu lần anh trượt ngã khi “cõng” cáp trên vai. Địa hình dốc đứng, gió quẩn và mưa tuyết… lúc nào cũng như muốn giằng sợi dây mỏng manh ra khỏi tay người thợ.
Cực nhất phải kể đến khi sợi mồi đi tới con vực chắn giữa trụ T3 và ga đến. Đây là khúc mà sống núi Hoàng Liên Sơn bất ngờ “trở tính” hẫng xuống sâu cả trăm mét trước khi lại chồm lên dựng đứng cho tới đỉnh. Khe hẻm này cũng “khét tiếng” cả rừng quốc gia bởi hai thứ đặc sản là mây mù và gió quẩn.
Nhắc tới gió T3, Tâm chợt khẽ rùng mình, trán nhăn nhăn lại. Anh bảo: “Khúc này là cái rốn cuồng phong của Fansipan khi toàn bộ luồng gió trái tính từ Lai Châu sau khi chạm đèo Ô Quy Hồ sẽ cuồn cuộn đổ vào và định cư luôn ở khe núi”.
“Đây là đoạn khó nhất trong toàn tuyến vì đi xuống cũng khó mà đi lên càng khó hơn. Các vách đá đều dựng đứng và không có gờ nào để bám. Anh em chúng tôi phải thuê người Mông bản địa đóng các thang gỗ để xuống đáy. Chỗ nào không thể đi tiếp thì cả đội đu dây tiếp”, Tâm run run nhớ lại.
- Lúc ấy các anh có sợ không? – Chúng tôi hỏi.
- Sợ lắm chứ. Nhưng trong đầu anh em vẫn nghĩ: Bằng mọi cách phải kéo xong. Cực thì cũng phải chịu vì mọi thứ đã vào luồng rồi.
- Vậy sao không tìm đường đi vòng để tránh vực Gió ấy?
- Nguyên tắc khi kéo cáp lại phải đúng tâm. Vì thế, việc đu xuống vực là bất khả kháng rồi anh ạ! – gã cựu binh mân mê bàn tay chai sần, sứt sẹo khe khẽ đáp.
Mất đúng một tháng, sợi cáp mồi 6mm mới được vắt thành công qua khe vực gió ấy. Đây cũng là lần đầu tiên, một cây cầu thực sự, dù mong manh, kết nối thành công và xuyên suốt từ Sapa lên tận nóc nhà Đông Dương.
Ngay sau đó, các sợi mồi tiếp theo với đường kính 12,18 rồi 42mm lần lượt được đấu nối và chạy ro ro về đỉnh nhờ hệ thống module. Tới tháng 1/2015, cú thử tải thành công chính thức đưa cáp công vụ với cái tên LCS đưa vào vận hành. Những gã trai khét mù mồ hôi như Tâm và Hậu vỡ òa trong niềm vui khôn tả. Cũng từ đây, đại công trình trên núi Hoàng Liên đã có xương sống của riêng mình.
“Mặc dù, lúc này chưa có trụ cáp chính thức nào đâu, nhưng chúng tôi ai cũng rơm rớm cả. Nhìn LCS ro ro chạy, ai cũng mường tượng hình dung ra ngày về đích đã rất gần. Đã rất lâu rồi, chúng tôi mới lạc quan như thế”, Nguyễn Xuân Hậu kể.
Bắc cầu tới nóc nhà Đông Dương
LCS xuất hiện giống như một cú hích mạnh mẽ đối với tiến độ của toàn dự án. Vật tư, sắt thép trọng lượng lớn liên tục cưỡi mây, vượt gió tập kết vào 6 công trường. Cùng thời điểm đó, đường điện 35kV cũng hoàn thành lại càng giúp cho tốc độ thi công tăng lên nhanh chóng. Chỉ mất thêm 3 tháng, 4 trụ thép chính T1 đến T4 đã hiên ngang vươn cao mình. Những “gã điên” của rừng Hoàng Liên chỉ còn cách giấc mơ bắc cầu lên đỉnh một khoảng ngắn.
Kéo cáp chính. Phải kéo cáp chính bằng mọi giá. Đã đến lúc hiện thực hóa giấc mơ tưởng chừng như hoang đường ngày trước.
32 chuyên gia Doppelmayr và Garaventa, 7 phiên dịch viên cùng hàng ngàn công nhân, kỹ sư người Việt được huy động, rải đều ra khắp ga đi, 4 cột trụ và ga đến. 12 cột trụ tạm khác để đỡ cáp cũng được nhanh chóng dựng dọc tuyến. Bộ đàm bật không ngừng. Một không khí khẩn trương, hối hả chưa từng thấy đã bao trùm tất cả.
Về mặt kỹ thuật, LCS lúc này nhận nhiệm vụ dẫn sợi cáp mồi đầu tiên với đường kính 12mm đi, một tổ đội phía dưới phải đi bộ bám sát để điều chỉnh dây luôn nổi trên mặt rừng, không vướng vào các ngọn cây.
“Do tuyến LCS chạy sát song song với 4T nên khi tới gần các trụ chính, anh em công nhân sẽ chỉ phải nâng thủ công và gá sợi cáp mồi lên đỉnh,” Nguyễn Xuân Hậu giải thích.
Công việc tưởng chừng diễn ra suôn sẻ thì thêm một lần, vực Gió lại trở thành cơn ác mộng, nhưng lần này chủ yếu là với… các chuyên gia tới từ Thụy Sỹ.
Nhằm giảm thiểu thời gian cũng như sức người, phía Garaventa đề xuất phương án dùng trực thăng chuyên dụng cỡ nhỏ để đưa cáp mồi băng qua khe vực huyền thoại. Không lâu sau, một flycam 8 cánh trị giá hơn 1 tỷ đồng được nhập về. Đây là flycam thuộc loại hiện đại bậc nhất vào thời điểm giữa năm 2015. Thiết bị này có độ ổn định lớn khi gặp gió, hơn nữa còn có thể định vị từ vệ tinh. Nó được kỳ vọng sẽ là thiết bị cơ khí đầu tiên chinh phục thành công vực sâu huyền thoại.
Sáng hôm đó, hàng trăm công nhân Việt Nam mắt chữ O, mồm chữ A dõi theo bóng chiếc flycam đang từ từ bay lên trên tán rừng. Phần đông trong số họ lần đầu tiên mới được thấy một cỗ máy vừa biết bay, vừa biết rải cáp thay sức người này. Gió vẫn cứ luẩn quẩn thốc ngược từ vực xa lên, nhưng cỗ trực thăng 8 cánh vẫn rè rè tiến về phía trước.
10 mét. 20 mét. 30 mét… Máy bay dẫn cáp mồi vẫn đang tiếp tục bay. Các ông Tây, tay lăm lăm ống nhòm đã nhẹ nhõm mỉm cười khi thiết bị của họ dần dần chuyển quỹ đạo theo hướng đi lên gần trụ cuối.
Đúng lúc này, tín hiệu màn hình điều khiển đột ngột trở nên nhiễu loạn. Tiếng cảnh báo nguy hiểm tít tít liên hồi. Chỉ vài giây sau, trên màn hình, chấm xanh hiển thị flycam hoàn toàn biến mất. Kế hoạch phá sản khi chỉ còn cách đích một khoảng rất gần. Một lần nữa, cáp mẹ LCS lại phải nhận nhiệm vụ vinh quang là “cõng” cáp con vào đúng tuyến. Và hàng chục công nhân có thêm “trải nghiệm” đu dây xuống vực dẫn cáp về phía cổng trời.
Ngày 2/7/2015, sợi cáp mồi đầu tiên đã được đặt vào vị trí. Lần lượt tiếp đó, các sợi phi 22, 26, 32, 48 được đấu nối. Sau 5 lần mồi, cáp chính nặng 135 tấn chính thức được kéo lên trong sự hồi hộp và căng thẳng đến tột cùng của cả công trường Hoàng Liên. 2 chuyên gia nước ngoài và 3 kỹ thuật được cắt cử riêng với trách nhiệm đi bộ di chuyển theo đầu mối nối cáp mồi và cáp chính đi từ ga đi lên ga đến giám sát quá trình kéo. 8 máy tời công suất lớn tại 2 nhà ga vừa kéo vừa giữ đuôi sợi cáp...
“Đó là khoảng thời gian căng thẳng nhất mà tôi từng trải qua. Theo chân các bạn Tây đi dọc toàn tuyến để theo dõi đầu mối nối, mặc dù mắt dán chặt vào sợi dây trên cao, nhưng lòng tôi nóng như lửa đốt,” Hậu nhớ lại.
Do yêu cầu kỹ thuật đối với cáp chính rất nghiêm ngặt, nên tổ giám sát phải đảm bảo cáp không được trùng tới mức có thể chạm đất, chạm điện; đồng thời cũng phải giữ cho dây không căng, tránh trường hợp đổ trụ đỡ hoặc đứt cáp. Hết lên dốc, xuống khe lại trèo vách đá, đôi chân của cậu phiên dịch trẻ cùng 3 chuyên gia tê dại đi trong hành trình theo đuôi cáp.
“Như làm xiếc vậy. Vì chỉ cần sơ sẩy một chút, là công lao của hàng nghìn người sẽ đổ sông, đổ bể hết,” Hậu nhớ lại.
Sigrist Reto là người thấm thía hơn cả cái cảm giác theo cáp mà như đang đu dây, làm xiếc ấy hơn cả. Trong quá trình “bắt dấu” cáp, Reto đã bị trượt ngã và phải khâu 6 mũi tại đùi trái. Nguyễn Xuân Hậu thì may mắn hơn khi chỉ bị… trượt chân, ngã xuống vực nhưng kịp bám vào dây leo để bò lên.
“Chắc do ông trời còn thương với tiếc công sức của mình,” cậu trai trẻ Quảng Nam nhẹ bẫng khi nhắc nhớ lại kỷ niệm khi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau một khoảng cách mong manh.
Với sự nỗ lực tối đa của tất cả, ngày 23/8 năm ấy, sau 1 tháng 21 ngày, sợi cáp tải 135 tấn lần đầu tiên về đến ga Fansipan trong niềm phấn khích cực độ. Giữa tháng 12/2015, sợi cáp cuối cùng cũng cán đích, chính thức thiết lập thành công cáp 3 dây đầu tiên của Việt Nam nói riêng và toàn Châu Á nói chung.
“Khi sợi cáp cuối cùng vào vị trí, ở phía thị trấn Sapa, 20 bạn Tây lao xuống phố. Gặp ai họ cũng ôm, cũng đòi được chúc mừng. Anh em người Việt Nam ở dọc tuyến thì có người hò hét, có người bật khóc vì rốt cuộc, đứa con tinh thần của mình đã được khai sinh rồi”, ông Phan Tất Thắng (Phó Giám đốc Kỹ thuật – Công ty Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan Sapa) rưng rưng kể.
“Sau này, tôi có hỏi các bạn Tây là nếu chúng tôi muốn làm một Fansipan thứ hai thì các bạn có nhận không. Các bạn ấy đều lắc đầu quầy quậy đáp: Tao nói thật, bọn tao sẽ không bao giờ làm bất kỳ một tuyến nào tương tự nữa,” vị Phó Giám đốc cười xòa.
Tính tại thời điểm “ra đời”, tuyến cáp treo Fansipan ngay lập tức xác lập cho mình một loạt kỷ lục. Với chiều dài 6.292,5m, cáp treo Fansipan là một trong những hệ thống cáp treo ba dây dài nhất thế giới. Ngoài ra, đây cũng là hệ thống cáp treo có độ chênh lớn nhất toàn cầu khi độ chênh đo được giữa ga đi và ga đến lên tới 1.410m.
Và hơn ai hết, chính những gã Tarzan, kiến thợ, kỹ sư kiêm cửu vạn đã dám đánh đổi hơn 8.000 ngày trong rừng thiêng nước độc ngày nào có quyền tự hào về những kỷ lục đó.
Theo vietnamplus