Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua kết quả rà soát, xác định diện tích, sản lượng, tiêu thụ sản phẩm các loại nông sản trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản trong 7 tháng đầu năm 2021 của tỉnh cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều, một số sản phẩm như chè, chuối tiêu tiêu thụ chậm hơn so với thời gian trước khi xảy ra dịch bệnh. Nguyên nhân các sản phẩm trên tiêu thụ chậm do vận chuyển, giá cước tăng cao, một số nước trên thế giới đóng cửa không giao thương để phòng dịch Covid-19.
Từ nay đến hết năm 2021 và đầu năm 2022, một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh sẽ bước vào vụ thu hoạch có sản lượng lớn như: Na trên 2.300 tấn, cam trên 95 nghìn tấn, bưởi trên 30 nghìn tấn trong khi mức tiêu thụ trong tỉnh mới chỉ đạt bình quân 40% tổng sản lượng. Do vậy, dự báo sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Để chủ động ứng phó, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến tình hình tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh năm 2021, UBND tỉnh xây dựng 2 phương án, gồm: Tiêu thụ sản phẩm nông sản trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội và phương án phải giãn cách toàn xã hội.
Mục tiêu cao nhất của 2 phương án là tiêu thụ 100% sản lượng na, cam và bưởi trên địa bàn cho người nông dân. Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội tỉnh, còn tập trung thị trường các tỉnh, thành phố lân cận. Đặc biệt, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Postmart để tiếp cận thị trường mở, tuy nhiên muốn tiêu thụ được trên kênh này sản phẩm phải đạt chất lượng.
Tại hội nghị, đại diện các ngành, các huyện, thành phố đã thảo luận tập trung xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong khâu dự báo thị trường, kết nối tiệu thụ sản phẩm cũng như những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khâu lưu thông để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thành phố để nắm bắt sản lượng, chất lượng, hướng dẫn quy trình sản xuất theo quy chuẩn VietGAP, hữu cơ… để có sản phẩm nông nghiệp tốt. Sở Công Thương chủ trì đề xuất phương án tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; chủ động các phương án cung ứng như đã xây dựng, chủ động làm việc với các đơn vị phân phối, Sở Công Thương các tỉnh, đặc biệt Sở Công thương Hà Nội để đưa các sản phẩm nông sản vào hệ thống siêu thị. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong quá trình tiêu thụ nông sản.
Sở Thông tin và Truyền thông về lâu dài phải xây dựng kế hoạch đưa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng lên sàn thương mại điện tử; trước mắt đưa sản phẩm cam, bưởi, na lên sàn điện tử Vỏ Sò và Postmart để tiêu thụ nông sản cho người dân. Sở Công Thương phối hợp với Hội Nông dân tỉnh phát động phong trào "Người Tuyên Quang ưu tiên dùng nông sản Tuyên Quang". Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kêu gọi các doanh nhân trong và ngoài tỉnh giúp nông dân tiêu thụ nông sản.
Sở Khoa học và Công nghệ và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức sản xuất bao bì đựng nông sản tốt, mang đặc trưng của tỉnh. UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động để người dân chăm sóc vùng nông sản đạt sản phẩm chất lượng; có kế hoạch tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19, nắm chắc số lượng, sản lượng để cân đối thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh…
PV