Bắt đầu từ 1/4 tới, học sinh sẽ chính thức đăng ký hồ sơ xét tuyển Đại học năm 2018. Nên chọn ngành nào để hợp xu thế và cơ hội có việc làm cao là băn khoăn của rất nhiều phụ huynh và thí sinh trong thời điểm quyết định này.
Trong hội thảo trực tuyến “Hướng nghề” hay “hướng nghiệp” do Trường Phổ thông Liên cấp Olympia tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích, gỡ rối cho thí sinh trong việc chọn lựa ngành nghề.
Thạc sĩ Phoenix Hồ Phụng Hoàng - chuyên gia về tư vấn hướng nghiệp
Theo chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Phoenix Hồ, cách đây 20 năm, mọi người thường có quan niệm tìm một công việc có tính chất lâu dài, làm trong suốt đời đến lúc về hưu thì thôi. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây thì đó là một điều không tưởng. Tức là mỗi người trong đời có thể thay đổi nghề nghiệp khoảng vài ba lần, con người cũng đa năng hơn khi làm được nhiều mảng, nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì xu thế hiện nay là vậy nên sẽ có tác động rất lớn đến việc chọn lựa ngành học.
“Tâm lý của cha mẹ đều muốn khi hoàn tất một chương trình đào tạo nào đó, con mình có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Vậy những yếu tố nào giúp chúng ta có thể tự đứng vững và tìm chỗ đứng cho mình ở một thị trường lao động thay đổi tới từng phút? Đây mới là điều quan trọng, vì độ “hot” của nghề có thể thay đổi.
Ví dụ như 2002, IT rất “hot” ở Việt Nam nhưng vài năm sau đó không còn “hot” nữa. Năm 2005, ngành tài chính ngân hàng cũng “hot”, nhưng đến 2008 thì kinh tế lại suy giảm, mọi thứ không còn như cũ. Và nhiều ngành khác nhau cứ xuất hiện, thay đổi liên tục. Vậy nếu thí sinh chạy theo ngành thì rất nguy hiểm. Chúng ta nên xác định thế mạnh của mình, trang bị cho mình đầy đủ những kỹ năng để lựa chọn theo nghề”- Thạc sĩ Phoenix Hồ đưa ra lời khuyên.
Làm sao để biết mình thích hợp với nghề nào? Theo cô Nguyễn Hồng Duyên - Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Olympia, điều này liên quan đến cả một quá trình, gắn liền với chuyện hướng nghiệp.
Hướng nghiệp nên bắt đầu càng sớm càng tốt, từ gia đình, nhà trường. Nó là một phần của giáo dục, cần lồng ghép trong mọi hoạt động và cần được coi là mục tiêu khi xây dựng chương trình giáo dục. Nó sẽ bắt đầu từ việc giúp học sinh nhận thức mình là ai, điểm mạnh, sở thích như thế nào rồi sau đó nhìn ra những chọn lựa nghề nghiệp khác nhau trên thị trường.
Cũng theo cô Duyên, một nghiên cứu của Mỹ cho thấy có 65% nghề trong tương lai vẫn chưa xuất hiện, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, con người có thể bị thay thế bởi robot trong một số công việc. Vì vậy, không còn cách nào khác là học sinh cần chuẩn bị được những năng lực thiết yếu bên trong để có thể học và làm được nhiều ngành nghề khác nhau.
Theo Lao Động