Đảm bảo trung thực, an toàn, hiệu quả

Mới đây (15/6), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018. Theo đó, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia có 925.792 em (xét công nhận tốt nghiệp là 879.705 em; tổng số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 688.466 em, tăng hơn 48.000 so với năm 2017). Cả nước có 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi.

Năm nay có 341.576 thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) chiếm 37% (năm 2017 là 38 %); 444.538 thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội (KHXH), chiếm 48% (năm 2017 là 43%); 36.016 thí sinh đăng ký cả hai bài thi tổ hợp, chiếm 4% (năm 2017 là 7%). Số còn lại 11% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần bài thi tổ hợp.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng không 'vơ bèo gạt tép' - Hình 1

Về cơ bản, kỳ thi THPT quốc gia 2018 được giữ ổn định như năm 2017 và có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật. Bộ GD&ĐT đã điều động các trường ĐH, CĐ phối hợp với địa phương tổ chức thi ở các khâu: In sao đề, coi thi, chấm thi, phúc khảo...

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, mục đích tổ chức hội nghị trực tuyến là bàn về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018, nhằm hạn chế sai sót nhỏ nhất có thể xảy ra, từ công tác chuẩn bị để kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả, tuyệt đối không sơ sót, không lọt, lạc đề thi…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ, kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp chứ không phải kỳ thi Đại học, vì vậy các phương thức tổ chức phải được triển khai một cách khách quan, trung thực, để các trường ĐH, CĐ lấy đó để tham khảo phục vụ cho công tác tuyển sinh của mình, cùng với đó các trường cần tiếp tục đổi mới để sau này có kế hoạch kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Trong thời điểm này và một vài năm tới sự tham gia của các Trường đại học vào việc tổ chức kỳ thi này cùng với các Sở giáo dục và các địa phương là cần thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm liên quan đến đầu vào của các Trường Đại học mà là trách nhiệm của xã hội làm sao để cac trường đại học là nơi tập hợp các tinh hoa nhất của đất nước”.

Không “vơ bèo gạt tép”

Về công tác chuẩn bị xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018, có 381 đơn vị tham gia xét tuyển với 449.559 chỉ tiêu, tăng 1,2% so với năm 2017. Hệ thống đăng ký tuyển sinh sơ bộ ghi nhận 2,75 triệu nguyện vọng; tỉ lệ nguyện vọng/chỉ tiêu đạt 6,04; 89,51% số nguyện vọng tập trung vào 5 tổ hợp tuyển sinh truyền thống, còn lại 400 tổ hợp với 10,49% nguyện vọng.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng không 'vơ bèo gạt tép' - Hình 2

Đã sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia 2018

Năm nay, việc xét tuyển ĐH, CĐ có một số điểm mới, các trường được tự xác định điểm sàn; tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; Bộ GD&ĐT sẽ có quy định điểm sàn riêng cho khối ngành sư phạm…

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng đã chỉ ra hạn chế đối với các trường trong mùa tuyển sinh năm nay: Chưa tuân thủ xác định chỉ tiêu theo quy định (xác định chỉ tiêu vượt điều kiện đảm bảo chất lượng); xác định tổ hợp chưa phù hợp với ngành xét tuyển (tổ hợp lạ); công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng thấp.

Đại diện các trường ĐH, CĐ đánh giá cao phương án tuyển sinh năm 2018 của Bộ GD&ĐT vì đã tăng quyền tự chủ cho các trường. Tuy nhiên, các trường cũng mong muốn Bộ hỗ trợ vấn đề lọc “ảo”; sớm công bố phổ điểm, mở cổng thông tin tuyển sinh… để các trường chủ động xác định sớm điểm sàn xét tuyển. Ngoài ra, nhiều trường mong muốn Bộ đẩy mạnh việc công bố chỉ tiêu sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tuyển sinh các trường ĐH, CĐ dù khó khăn nhất cũng không thể “vơ bèo gạt tép” bằng mọi cách. Thương hiệu trường được xây dựng từ điểm đầu vào, điểm đầu vào thấp quá sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, các trường phải hết sức coi trọng công tác dự báo, cơ cấu nghề nghiệp để xác định chỉ tiêu, mở ngành đào tạo, tránh tình trạng “đưa chỉ tiêu nhiều nhưng thí sinh không vào”.

“Hiện có 60% các trường tham gia xét tuyển theo nhóm, nhờ đó đã giúp lọc ảo hiệu quả. Vì vậy, các trường nên nghiên cứu, tham gia tích cực. Bên cạnh đó, năm nay Bộ sẽ tăng cường hậu kiểm sau khi các trường công bố đề án tuyển sinh”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Chỉ còn ít ngày nữa, kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra. Theo Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh, đến nay Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ về công tác thi; hoàn thành và đưa vào sử dụng các phần mềm; tổ chức và hoàn thành công tác đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển sơ bộ; hoàn thành việc lập điểm thi, phân và sắp xếp phòng thi. Dự kiến có khoảng 45.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia phối hợp với các địa phương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Bên cạnh việc sẵn sàng phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia, thời điểm này, các trường ĐH cũng đang chuẩn bị kế hoạch tuyển sinh. Nhận định của lãnh đạo một số trường sư phạm và chuyên gia, tuyển sinh sư phạm năm nay tiếp tục có khó khăn.

Hoan Nguyễn