Theo các chuyên gia, việc Bộ GDĐT không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khiến cho các trường ĐH được tự chủ hơn trong việc xác định điểm chuẩn đối với những thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT.
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018 có nhiều thay đổi rõ rệt
Cụ thể nội dung điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2018 như sau: Đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH,CĐ,TC căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Kèm theo đó vào buổi gặp mặt báo chí ngày 27/4 thông tin về thi, tuyển sinh năm 2018, bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá: Nhìn chung, đa số các trường đã xây dựng chính sách chất lượng của mình, trong đó, có chất lượng đầu vào, chú trọng chất lượng trong quá trình đào tạo và đặc biệt là đảm bảo chất lượng đầu ra. Hầu hết các trường đều dự kiến thời điểm thích hợp để công bố điểm sàn là sau khi có kết quả, phổ điểm thi Trung học phổ thông quốc gia, trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Mùa tuyển sinh năm 2018, Bộ GDĐT chỉ quy định điểm sàn ngành sư phạm. Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018, tuyển sinh vào ngành học sư phạm với hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH là học sinh xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên và giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên trên cơ sở khảo sát, thống kê nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương trong toàn quốc. Theo đó, chỉ tiêu của ngành Sư phạm là 35.590, giảm 38% so với năm 2017 (56.725 chỉ tiêu).
Cụ thể, theo ông Trần Anh Tuấn, từ tháng 1/2018, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi cho 63 tỉnh thành đề nghị rà soát nhu cầu giáo viên của từng môn học, từng cấp học từ mầm non cho đến THPT. Đây cũng là căn cứ quan trọng nhất để Bộ xác định chỉ tiêu cho từng trường sư phạm trong mùa tuyến sinh 2018. Vụ Giáo dục ĐH đã đã rà soát nhu cầu giáo viên của các địa phương từ năm 2018 đến năm 2022 để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, bởi với bậc ĐH sinh viên năm 2018 vào học sẽ ra trường vào năm 2022, bậc CĐ ra trường vào năm 2021 và Trung cấp ra trường vào năm 2020.
Cùng với việc giảm chỉ tiêu đào tạo, Bộ GDĐT đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng đối với các trường sư phạm. Công bố công khai kết quả đánh giá, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng cùng với những thông tin liên quan đến quá trình đào tạo để người học và xã hội giám sát.
Hoàng An