Đồng USD giảm so với các loại tiền tệ khác vào phiên giao dịch vừa qua, khi báo cáo việc làm mới công bố cho thấy số lượng việc làm ở Mỹ tăng mạnh trong tháng 9 nhưng tốc độ tăng lương cũng đang chậm lại.
Chỉ số DXY đã tăng mạnh vào đầu phiên sau khi dữ liệu cho thấy bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng 336.000 việc làm vào tháng 9, vượt mức dự đoán của các nhà kinh tế là 170.000 việc làm.
Trong khi đó, dữ liệu bảng lương cho thấy, mức tăng lương hàng tháng vẫn ở mức vừa phải, với thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,2%, sau mức tăng tương tự trong tháng 8. So với cùng kỳ năm ngoái, tiền lương đã tăng 4,2% trong tháng 9, giảm so với mức tăng 4,3% trong tháng 8.
Theo công cụ FedWatch của CME, sau dữ liệu bảng lương, hợp đồng tương lai lãi suất của Mỹ dự đoán 42% cơ hội tăng lãi suất vào cuối năm nay.
Gần đây, sức mạnh của đồng USD được củng cố bởi đợt bán tháo nhanh chóng trái phiếu chính phủ Mỹ, khiến lợi suất đạt mức cao nhất trong nhiều năm. Theo đó, trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn đạt 4,887% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đạt 5,053%, đều là mức cao nhất kể từ năm 2007.
Sự chú ý của thị trường đang chuyển sang dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố vào tuần tới, giúp thị trường có cái nhìn rõ hơn hành động của Fed trong tương lai.
So với đồng yên Nhật, đồng USD tăng hơn 0,54%, hiện ở mức 149,31 yên, dao động gần mốc quan trọng 150.
Đồng bảng Anh đã tăng 0,43%, hiện ở mức 1,22445 USD, chuẩn bị kết thúc tuần với một dấu hiệu lạc quan về sự phục hồi của đồng tiền này.
Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch 7/10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 10 đồng, hiện ở mức 24.074 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức 23.400 đồng - 25.227 đồng.
Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ ở mức 24.110 đồng – 26.648 đồng.
Việt Anh (t/h)