Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD tăng 0,22%, đạt mốc 105,11. Tuần này có một loạt sự kiện và dữ liệu quan trọng, bao gồm việc công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày 12/6, theo sau đó là quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sẽ tác động đáng kể đến sự biến động trên thị trường tiền tệ.

Sang ngày 12/6, đồng bạc xanh tăng 0,1%, đạt mốc 105,25, qua đó đạt mức cao nhất trong 4 tuần vào phiên giao dịch vừa qua, trước báo cáo lạm phát rất được các nhà đầu tư mong đợi, có khả năng ảnh hưởng đến thời điểm cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed. Các nhà giao dịch đã giảm bớt kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Mỹ vào tháng 9, hiện có tỷ lệ cược khoảng 50-50.

Tuy nhiên, đến ngày 13/6, chỉ số DXY giảm 0,55%, xuống mốc 104,68 sau khi Fed kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày và quyết định giữ nguyên lãi suất, đồng thời đưa ra tuyên bố chính sách kèm theo và Tóm tắt các Dự báo Kinh tế (SEP). Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận rằng lạm phát đã giảm đáng kể nhưng vẫn ở mức quá cao và kỳ vọng cắt giảm lãi suất đã bị đẩy lùi, mục tiêu hạ nhiệt lạm phát xuống mức 2% của Ngân hàng Trung ương diễn ra chậm hơn dự kiến.

Dù vậy, đồng USD lại tăng 0,58%, đạt mốc 105,23 trong ngày 14/6 sau khi Fed thể hiện quan điểm "diều hâu" khi kết thúc cuộc họp chính sách bắt đầu từ ngày 12/6. Dữ liệu cho thấy giá sản xuất của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 5, với chỉ số giá sản xuất chung (PPI) giảm 0,2% trong tháng 5, sau khi tăng 0,5% trong tháng 4. Giá cốt lõi không đổi sau khi cũng tăng 0,5% trong tháng trước. Dữ liệu này theo sau Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 5, được công bố ngày 12/6, thấp hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế, khiến đồng bạc xanh bị bán tháo mạnh.

Cuối cùng, đồng bạc xanh chốt tuần giao dịch bằng việc tăng 0,32%, đạt mốc 105,52 để ghi nhận mức cao nhất gần 7 tuần phiên giao dịch vừa qua, khi các nhà giao dịch đặt cược vào việc Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay.

So với đồng Euro, đồng USD tăng từ 1,0737 lên 1,0707. Trong khi đó, so với đồng yên Nhật Bản, đồng USD tăng cao hơn, đạt mức 157,39 yên/USD.

Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng tuần 8 đồng, hiện ở mức 24.249 đồng.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức 23.400 đồng - 25.450 đồng.

 Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức 24.733 đồng – 27.337 đồng.

Việt Anh (t/h)