Chỉ số DXY đã chạm mức cao 104,98 và sau đó giảm nhẹ vào cuối tuần vừa qua. Triển vọng trước mắt là không rõ ràng. Mức hỗ trợ hiện tại đối với chỉ số này nằm trong vùng 104-103,9. Mức kháng cự là 105. Sự đột phá ở hai bên của hai mức này sẽ quyết định hướng đi tiếp theo của đồng bạc xanh.
Việc chỉ số này giảm xuống dưới mốc 103,9 có thể khiến chỉ số này tiếp tục rớt xuống vùng 103-102,5. Mặt khác, việc tăng lên trên mốc 105 sẽ khiến chỉ số DXY có thể tiếp tục tiến tới mốc 106.
Trong tuần qua, đồng bạc xanh được hưởng lợi từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh vào tuần trước. Dữ liệu lạm phát của Mỹ cao hơn kỳ vọng của thị trường đã hỗ trợ đà tăng của lợi suất trong tuần vừa qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,31% (so với tháng trước) trong tháng 1. Con số lạm phát nóng hơn dự kiến làm tăng thêm hy vọng trên thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không vội vàng bắt đầu cắt giảm lãi suất. Điều đó đã khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao hơn.
Ở một diễn biến khác, đồng euro đã tăng trở lại tốt từ mức thấp 1,0695. Mức kháng cự nằm trong vùng 1,08-1,09. Vì vậy, đồng euro phải vượt qua mức 1,09 để tăng giá mạnh trở lại. Chỉ trong trường hợp đó, bức tranh ngắn hạn sẽ chuyển sang tích cực khi tăng lên mức 1,10-1,11 và thậm chí cao hơn.
Ngược lại, nếu đồng euro vẫn ở dưới vùng kháng cự 1,08-1,09 thì nó có thể sẽ giảm trở lại mốc 1,07 trong tương lai, thậm chí có thể kéo đồng euro xuống mức 1,06 trong ngắn hạn.
Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 19/2, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD hiện ở mức 23.971 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức 23.400 đồng - 25.119 đồng.
Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức 24.512 đồng – 27.093 đồng.
Việt Anh (t/h)