Đồng USD duy trì ở mức cao hơn nhưng vẫn ổn định trong tuần trước. Mặt khác, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng đã tiếp tục tăng cao hơn. Tác động của dữ liệu lạm phát của Mỹ công bố đầu tháng này tiếp tục hỗ trợ đồng USD và lãi suất trái phiếu kho bạc.
Dữ liệu về Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân của Mỹ (PCE), thước đo lạm phát của Fed, sẽ được công bố vào ngày 26/4. Nếu con số này cao hơn thì đó có thể là lực đẩy cho đồng USD và lợi tức trái phiếu kho bạc. Đây là dữ liệu quan trọng trong tuần này.
Chỉ số DXY vẫn ổn định và dao động trong khoảng 105,74-106,52. Quan điểm tăng giá vẫn còn nguyên. Các mức hỗ trợ đối với chỉ số này là 105,50, 105,30 và 105. Mức kháng cự hiện tại đối với chỉ số này là 106,50. Việc Chỉ số DXY vượt lên trên mức đó có thể đưa nó lên tới vùng 107-107,50. Như đã đề cập vào tuần trước, hành động giá sau đó sẽ cần được theo dõi chặt chẽ. Sự đảo chiều từ vùng 107-107,50 có thể kéo chỉ số giảm trở lại mức 106-105.
Ngược lại, nếu Chỉ số DXY tiếp tục duy trì dưới mức 106,50 và giảm chọc thủng mức 105, nó có thể rớt xuống 104 trong ngắn hạn.
Với đồng euro, chừng nào còn neo ở dưới mức 1,0720 thì triển vọng sẽ là tiêu cực. Do đó, khả năng cao là đồng euro sẽ chọc thủng mức 1,0600 và giảm xuống vùng 1,05-1,0450.
Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD hiện ở mức 24.260 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức 23.400 đồng - 25.450 đồng.
Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức 24.519 đồng – 27.099 đồng.
Việt Anh (t/h)