Năm 2022, có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ an toàn vốn giữa các ngân hàng, đáng chú ý, một số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn trên 15%, thậm chí là trên 17% dù yêu cầu tối thiểu chỉ ở mức 8%.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng vốn tự có của các ngân hàng thương mại Nhà nước áp dụng Thông tư 41 là hơn 400.000 tỷ đồng, tăng 15,23% so với đầu năm 2022. Tỷ lệ an toàn vốn ở mức 9,04%. Các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam còn có tỷ lệ an toàn vốn khá cao, đạt 18,61%, còn một số ngân hàng thương mại Việt Nam ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn ở mức rất cao trên 15%, gấp khoảng 2 lần so với yêu cầu tối thiểu 8%.
Theo công ty Chứng khoán VNDirect, hệ số an toàn vốn đã ghi nhận cải thiện tốt trong những năm gần đây, khi các ngân hàng đang từng bước tiến tới những tiêu chuẩn của Basel III và xây dựng một bộ đệm vốn vững chắc cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai.
Hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng được tính theo Thông tư 41 năm 2016 tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel II, được quy định tối thiểu là 8%.
Theo đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025", ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.
Hiện đã có gần 20 ngân hàng thương mại được công nhận đạt chuẩn Basel II về các chuẩn mực an toàn vốn quốc tế. Nhưng để nâng cao khả năng đảm bảo thanh khoản, ổn định hệ thống, cũng đã có gần chục ngân hàng trong đó chủ động áp dụng sớm, nâng cấp lên theo chuẩn Basel III.
Công Huy (t/h)