Ngân hàng “ngấm đòn” do Covid-19
Sau hơn 3 tháng dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế đang trên đà hồi phục thì mới đây, Covid-19 đã quay trở lại lần 2. Có thể nói, đây tiếp tục là một “cú đánh” mạnh vào nền kinh tế và ngành ngân hàng đang phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao do khả năng trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Mặc dù thời gian qua, các ngân hàng rất tích cực xử lý nợ xấu qua hình thức đấu giá, tài sản rao bán khá đa dạng, bao gồm bất động sản, máy móc, thiết bị sản xuất, các loại ô tô từ bình dân đến xe sang… Tuy vậy, việc rao bán nợ xấu ngày càng khó khăn, dù giảm giá mạnh nhưng lượng người mua không nhiều. Thực tế này dẫn đến tình trạng, nhiều tài sản được ngân hàng đem ra đấu giá tới vài chục lần vẫn không thể bán được.
Các chuyên gia thảo luận về xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn và bị “thấm đòn” bởi Covid-19, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu và bất động sản. Tới đây, nếu dịch bệnh bùng phát mạnh thì tác động của nó sẽ rất khôn lường, nợ xấu sẽ tăng lên rất mạnh.
Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), từ đầu năm đến nay, nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn đã và đang tăng lên, nguyên nhân chính là do đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến năng lực trả nợ của doanh nghiệp và hộ gia đình vay vốn. Từ nay đến cuối năm, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó thì đương nhiên sẽ đẩy nợ xấu của ngành ngân hàng tăng lên cao.
Theo TS. Cấn Văn Lực nhận định, nợ xấu sẽ tăng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021; trong khi xử lý nợ xấu khó khăn hơn. Lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ sụt giảm, ước tính giảm 20-25% trong năm 2020.
Mới đây nhất, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chiều 25/9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nếu không có dịch Covid-19 thì xử lý nợ xấu đang trên đà thực hiện mục tiêu giảm xuống dưới 3%, nhưng do ảnh hưởng của dịch nên nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn rủi ro ước tính đến tháng 8/2020 vào khoảng 4,48%.
Ngân hàng sử dụng công cụ nào trong xử lý nợ xấu?
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh khẳng định Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là văn bản có giá trị pháp lý rất quan trọng, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu.
Đến nay, Nghị quyết 42/2017/QH14 và Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã đi vào triển khai được hơn 3 năm. Có thể khẳng định, các giải pháp đồng bộ trong 2 văn bản quy phạm trên đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
TOP 10 ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao nhất cuối quí II
Đề cập đến việc ngân hàng sử dụng công cụ nào trong Nghị quyết 42 nhiều nhất để vận dụng vào trong xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Thế Huân Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, đơn vị đang vận dụng nhiều nhất biện pháp bán nợ ra thị trường để xử lý nợ xấu. Đây là một trong những giải pháp mà trong Nghị quyết 42 có đề ra cho phép bán nợ cao hơn hoặc thấp hơn giá trị gốc của khoản nợ.
Như vậy, giải pháp đã tạo hành lang pháp lý cho phép các ngân hàng yên tâm trong việc bán nợ một cách công khai và minh bạch. Thị trường chấp nhận giá như thế nào thì khoản nợ sẽ được bán với giá như vậy.
Ông Đỗ Giang Nam, Phó Giám đốc Công ty Quản lý tài sản VAMC chia sẻ rằng, hoạt động bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân, không phải chỉ là VAMC. Phương pháp bán nợ được thực hiện công khai minh bạch sẽ là tiền đề hình thành thị trường mua bán nợ xấu, vốn phổ biến tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan…
Phương pháp bán nợ này tuy nhiên vẫn còn tiệm cận tại Việt Nam. Quan trọng nhất của biện pháp này là tạo được hành lang pháp lý nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mua lại khoản nợ xấu và trả lời được câu hỏi họ có thể làm gì với khoản nợ xấu.
Hầu hết các nhà đầu tư thực hiện mua bán nợ có thỏa thuận chuyển nợ thành vốn góp, và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Nên phương pháp mua bán nợ theo giá trị trường sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục đối với việc xử lý nợ xấu tại VAMC nhưng đồng thời giúp huy động nguồn lực vào thụ trường mua bán nợ xấu, có ý nghĩa to lớn với xã hội.
Thiên Trường