Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, theo thống kê của WTO, bên cạnh việc thực thi các hoạt động điều tra chống bán phá giá với tần suất cao khoảng 200 vụ/năm, các thành viên WTO cũng thường xuyên thay đổi pháp luật, điều chỉnh chính sách trong nước, cập nhật thực tiễn điều tra từ nước khác nhằm đa dạng hóa cách tính toán biên độ bán phá giá, từ đó tạo cơ sở đưa ra các quyết định chính sách khác nhau.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá
Một trong số những thay đổi đó chính là việc sử dụng qui định tại ADA về tình hình thị trường đặc biệt (viết tắt là PMS).
Về cơ bản, đây là việc nước nhập khẩu từ chối sử dụng số liệu của nước xuất khẩu, dùng số liệu do mình lựa chọn để tăng thuế phòng vệ thương mại nhằm tìm cách nâng cao mức độ “bảo hộ” sản xuất trong nước.
Mặc dù Hiệp định ADA của WTO cho phép sử dụng phương pháp thay thế để tính toán biên độ phá giá khi tồn tại một “tình hình thị trường đặc biệt”, nhưng cách thức sử dụng và xác định như thế nào phụ thuộc vào nội luật của từng quốc gia và thực tiễn của cơ quan điều tra mỗi nước.
Trên thế giới đã có một số quốc gia có quy định pháp luật khá chi tiết và có nhiều kinh nghiệm trong điều tra vấn đề này. Ngoài ra, cũng có nhiều vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO về nội dung này với các phán quyết của ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm WTO.
Thông thường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, doanh nghiệp sẽ là đối tượng chính phải trả lời các bản câu hỏi để cơ quan điều tra nước nhập khẩu xác định biên độ phá giá.
Tuy nhiên, khi kết hợp điều tra về “tình hình thị trường đặc biệt”, cơ quan điều tra nước ngoài còn xem xét đến cả các chính sách có tính chất can thiệp của chính phủ được ban hành ở cấp trung ương cũng như địa phương.
Trong thời gian tới, với xu hướng các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, nội dung “tình hình thị trường đặc biệt” cũng có thể được các nước tăng cường sử dụng. Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội liên quan triển khai các nhiệm vụ, biện pháp để xử lí, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu.
Hằng Vương