Công cuộc “cải cách” đầy gian nan!
Gu cà phê của người Việt quen với thức uống pha trộn suốt mấy chục năm nay. Con đường “cải cách”, thay đổi gu và làm thế nào để người tiêu dùng Việt Nam uống và được uống cà phê nguyên chất, chất lượng tốt nhất như xuất khẩu càng trở nên khó khăn, nhưng ông chủ Công ty Cổ phần Phúc Sinh vẫn quyết tâm theo đuổi.
CEO Phan Minh Thông chia sẻ khát vọng về những ly cà phê chất lượng quốc tế cho người Việt Nam.
Con đường đến với cà phê của ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh đi qua việc kinh doanh hồ tiêu. Mà hồ tiêu bị chi phối bởi nhu cầu xuất khẩu, nên để thành công, ông chủ DN đã phải học tập và làm chủ tư duy chất lượng quốc tế. Cách đây gần 20 năm, với một số vốn ít ỏi, ông Thông dám bỏ công việc ổn định trong cơ quan Nhà nước ra lập nghiệp nhưng đáng kể nhất là khả năng học hỏi và xông pha ở thị trường nước ngoài.
Khi đã trở thành “Vua hồ tiêu”, được khách hàng nước ngoài tín nhiệm và hỏi mua cà phê. Thế là với cùng tư duy chất lượng quốc tế của hồ tiêu, CEO Phan Minh Thông dần dà trở thành một trong những nhà xuất khẩu cà phê tư nhân lớn nhất của Việt Nam.
Tự đặt sứ mệnh tạo ra giá trị rất tốt cho người tiêu dùng Việt Nam, CEO Minh Thông đang thực hiện “cải cách” thị trường cà phê. Ông Thông chia sẻ: “Nhìn lại những gì đã qua, là một công ty tư nhân nhỏ, chúng tôi đã làm được điều lớn lao, đó là trở thành doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất cả nước, dẫn đầu thế giới. Để rồi, Việt Nam được đánh giá, chỉ 10 năm đã có thể sản xuất sản phẩm tiêu từ chất lượng thấp đến cao nhất, trong khi Brazil mất cả 100 năm không theo đuổi được.
Từ sản xuất thủ công, đến sử dụng các nhà máy tự động, chất lượng nâng cao, Phúc Sinh đã trở thành “con chim đầu đàn” trong ngành nông nghiệp. Một công ty tư nhân không có vốn Nhà nước, tự bươn chải, không có sự đầu tư của nước ngoài nhưng có thể kiếm được tiền, xuất khẩu với doanh thu đến 300 triệu USD/năm, tự làm được xúc tiến thương mại, tự buôn bán, marketing và tạo cảm hứng cho rất nhiều các công ty khác.
Một góc nhà máy của Công ty Cổ phần Phúc Sinh.
Theo ông Thông, những “cải cách” trong quá khứ là nền tảng và tạo niềm tin, tiền đề để Phúc Sinh làm tiếp ở hiện tại và tương lai. Bởi vậy, không có lý do gì mà anh ngừng “cải cách” thị trường cà phê hiện nay, để mang đến ly cà phê nguyên chất, đạt chuẩn chất lượng Châu Âu cho người tiêu dùng Việt Nam.
“Chúng tôi mong muốn làm một “cuộc cách mạng” dành cho khách hàng uống cà phê về gu hay phân biệt được cà phê sạch như thế nào, như “cuộc cách mạng” xuất khẩu hàng nông sản hạt tiêu và cà phê trong 14 năm trước chúng tôi đã làm, đưa Phúc Sinh từ một công ty tư nhân nhỏ trở thành công ty cổ phần xuất khẩu, thương mại, chuyển khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới”, CEO Minh Thông khẳng định.
Phúc Sinh đang khoác cho mình “chiếc áo đẹp”?
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, phải chăng chúng ta nên đổi tâm thế “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, thay vì “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”? Các sản phẩm hàng hóa của người Việt cần phục vụ thị trường trong nước.
“Sản phẩm ngon nhất toàn hướng ngoại, trong khi chúng ta bỏ qua thị trường nội địa vô cùng tiềm năng. Vậy nên, hãy phục vụ đồng bào trước, điều đó bắt đầu từ chất lượng, mà phải có sự thực chất, tinh túy, làm sao mang lại điều tốt nhất cho đồng bào chúng ta. Vậy nên, tôi rất tâm đắc với cách đặt vấn đề của ông chủ Phúc Sinh và ý tưởng K Coffee”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận.
Trước những khẳng định của người đứng đầu Phúc Sinh, tạo dựng thương hiệu K Coffee, một người tiêu dùng cho rằng, Phúc Sinh đang khoác cho mình chiếc áo rất đẹp. Đó là có trách nhiệm với thị trường Việt Nam, mang lại điều tốt nhất cho người tiêu dùng, đồng bào mình như Nhà sử học Dương Trung Quốc đồng tình.
Người Việt Nam phải được sử dụng những gì tinh túy nhất nhưng vấn đề thị trường nội địa có năng lực thẩm thấu, tiếp nhận được sản phẩm cao cấp hay không? Làm sao để giúp người Việt có thể sử dụng cà phê chất lượng nhất trong khi phụ thuộc vào giá thành sản phẩm tương ứng.
CEO Minh Thông cho hay: “Quan điểm của tôi rất rõ ràng, chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Chúng tôi áp dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt. Chúng tôi cũng tạo nhiều thương hiệu cà phê, phân khúc thị trường như: K Morning, K Coffee Black, K Coffee Light, K Coffee Delight… giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Tôi mong muốn, những người có thu nhập bình thường cũng được uống cà phê chuẩn, được truy xuất nguồn gốc”.
Một số sản phẩm của Công ty cổ phần Phúc Sinh với thương hiệu K Coffee.
Với lợi thế nguồn nguyên liệu cà phê nhân từ các nông hộ trồng cà phê thuộc dự án phát triển cà phê bền vững UTZ, K Coffee được chế biến trong quy trình sản xuất khép kín của hệ thống nhà máy đạt tiêu chuẩn BRC, HACCP, ISO 9001:2005 với trang thiết bị công nghệ rang xay hiện đại của Ý để giữ đúng vị cà phê. Con đường mà ông Thông lựa chọn, sau khi đạt chuẩn UTZ từ “farm” thì tiếp theo là chuẩn thế giới trong chế biến cà phê.
Ít ai biết K Coffee còn đạt bộ tiêu chuẩn toàn cầu của hiệp hội bán lẻ Anh Quốc (BRC - British Retail Consortium), hay còn được gọi là bộ tiêu chuẩn BRC. Bộ tiêu chuẩn này được Sáng kiến An toàn về thực phẩm toàn cầu (GFSI) công nhận. So với chứng nhận UTZ, bộ tiêu chuẩn BRC quy định rõ các tiêu chí về an toàn thực phẩm, lưu trữ và phân, bao bì và nguyên liệu bao bì, đại lý và môi giới toàn cầu…
Khi sản phẩm đạt bộ tiêu chuẩn BRC sẽ được các nhà bán lẻ, các công ty dịch vụ thực phẩm và các nhà sản xuất trên toàn thế giới công nhận. Đó chính là cách Anh Phan Minh Thông thực hiện sứ mệnh: Người Việt Nam được quyền uống cà phê chuẩn Châu Âu tại quê nhà!
Phương Thảo