Nghiên cứu viên bào chế vaccine phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm của Viện sản xuất vaccine lớn nhất Ấn Độ ở Pune. Ảnh: Reuters/TTXVN
Nghiên cứu viên bào chế vaccine phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm của Viện sản xuất vaccine lớn nhất Ấn Độ ở Pune. Ảnh: Reuters/TTXVN.

Thông báo mới của Chủ tịch Bharat Biotech Krishna Ella khẳng định vaccine Covaxin không chỉ có hiệu quả bảo vệ cao trong thử nghiệm lâm sàng mà còn tạo miễn dịch tốt trước các biến thể của virus. Thông báo cũng nêu rõ các tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra ở mức độ thấp và xảy ra cân bằng ở cả 2 nhóm dùng giả dược và dùng vaccine.

Các dữ liệu sơ bộ thử nghiệm lâm sàng được đưa ra sau khi phân tích 43 ca mắc bệnh trong số 25.800 người tham gia thử nghiệm vaccine Covaxin. Trong số 43 ca mắc bệnh, 36 ca thuộc nhóm dùng giả dược và chỉ có 7 ca thuộc nhóm dùng Covaxin, tương đương mức hiệu quả là 80,6% (sau khi một người chưa từng mắc bệnh được tiêm 2 mũi Covaxin).

Công ty sẽ tiếp tục thực hiện thêm các phân tích dữ liệu trong lần đánh giá thứ 2 (với 87 ca bệnh) và thứ 3 (với 130 ca bệnh), trước khi cung cấp các kết quả cho một bên thứ 3 (thường là các ấn phẩm khoa học) đánh giá và đăng tải.

Vaccine Covaxin, do Bharat Biotech và Hội đồng nghiên cứu y học Ấn Độ phối hợp phát triển, đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Ấn Độ từ hồi tháng 1/2021, khi quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vẫn chưa hoàn thành.

Hiện Ấn Độ đã cấp phép sử dụng 2 loại vaccine gồm AstraZeneca và Covaxin.

Trước đó, ngày 1/2, Thủ tướng Narendra Modi đã được tiêm vaccine Covaxin khi chiến dịch tiêm chủng tại nước này bước sang giai đoạn 2, hướng tới các nhóm trên 60 tuổi và trên 45 tuổi có nhiều bệnh lý nền nghiêm trọng. Ngày 4/3 , Bộ Y tế Ấn Độ cho biết khoảng 15 triệu mũi vaccine đã được tiêm cho người dân nước này. 

Với trên 11,1 triệu ca bệnh COVID-19, hiện Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Một số vùng trên cả nước đang chứng kiến số ca mắc mới tăng trong vài tuần trở lại đây sau thời gian dài giảm mạnh kể từ tháng 9/2020.

P.T