THCL Niềm vui đến với những người trồng vải ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) khi biết tin thị trường Mỹ cho phép NK vải thiều Việt Nam. Điều này sẽ mở ra một hướng phát triển mới cho quả vải thiều.
Nhiều khó khăn
Có mặt tại huyện Thanh Hà (Hải Dương) thời điểm này, mới thấy được sự vất vả của người dân trong quá trình chăm sóc cây vải. Vùng đất Thanh Hà vốn nổi tiếng với giống vải thiều thơm, ngon. Để tạo nên thương hiệu tên tuổi cho quả vải nơi đây, không chỉ có điều kiện tự nhiên như khí hậu, đất đai..., mà quan trọng hơn đó là kinh nghiệm và kỹ thuật chăm bón của người nông dân. Huyện Thanh Hà có diện tích khoảng 3.900 ha trồng vải, tập trung nhiều nhất là xã Thanh Thủy.
Trước đây, sản lượng vải thu hoạch chỉ cung cấp chủ yếu thị trường trong nước; nay XK sang Trung Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, các nước châu Âu và Mỹ - những thị trường khó tính, việc XK sản phẩm vải thiều sang các nước đó, để đạt được những tiêu chuẩn chất lượng, người dân Thanh Hà đang phải nỗ lực rất lớn. Bà Nguyễn Thị Thủy,thôn Lai Xá, xã Thanh thủy cho biết: “Để chuẩn bị cho việc trồng và đưa hiệu quả năng suất, chất lượng cho quả vải, chúng tôi đã áp dụng thâm canh - thực hiện các biện pháp kỹ thuật đồng bộ, đặc biệt là khâu chăm bón”.
Việc áp dụng kỹ thuật mới vào chăm sóc cây vải, bà con còn gặp khó khăn. Trước đây, các loại thuốc bảo vệ thực vật thường dùng thì nay không thể sử dụng vì có chứa thành phần trong 5 hoạt chất Mỹ đã cấm. Các loại thuốc bảo vệ thực vật mới được đưa vào sử dụng thì chưa biết hiệu quả ra sao. Thời điểm này, các hộ trồng vải tại xã Thanh Thủy đã thực hiện xong biện pháp dùng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó là giai đoạn bọc quả. Đây cũng là một bài toán nan giải cho người dân.
Ông Nguyễn Đức Nhân, Trưởng thôn Lai Xá cho biết: “Các loại quả như ổi, cam còn dễ dàng bọc; còn cây vải phần lớn cao, tán rộng, quả nhỏ, lại theo chùm, việc bọc quả vải mất rất nhiều thời gian”.
Cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật của huyện hàng ngày được cử xuống hướng dẫn bà con thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật; tham khảo ý kiến và những vướng mắc của bà con để kịp thời hỗ trợ. Đó mới chỉ là những khó khăn ban đầu, những giai đoạn tiếp theo như thu hoạch, đóng thùng, bảo quản…, rất cần sự chung tay của chính quyền và người dân thì sản phẩm mới có thể đạt được tiêu chuẩn XK sang Mỹ.
Hy vọng mới
Dù phải vất vả hơn nhiều so với trước đây, nhưng người trồng vải đang tràn đầy hy vọng. Bởi lẽ, bà con phải đầu tắt mặt tối chăm sóc sâu bệnh cho cây, năng suất, chất lượng quả vải… và nhất là lo thị trường tiêu thụ?
Nhiều năm, người trồng vải “méo mặt” bởi thu nhập không bằng cấy lúa, thậm chí lỗ vốn. Dự án vải thiều XK sang Mỹ khiến bà con phấn khởi - kỳ vọng vào một thị trường ổn định. Bà Thủy chia sẻ: “Có năm, vải được mùa nhưng giá bán rẻ như cho, người trồng chán nản chẳng buồn thu hoạch, vải rụng đỏ cả vườn. Giờ nếu XK được sang nước Mỹ và châu Âu, chúng tôi mới có điều kiện phát triển kinh tế”.
“Vạn sự khởi đầu nan”! Để quả vải thiều sang được đất Mỹ, huyện Thanh Hà đang tích cực chỉ đạo và hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình sản xuất, tuyệt đối không được vi phạm điều gì dù là nhỏ nhất nhằm xây dựng thương hiệu và tạo uy tín. Lãnh đạo huyện tiếp xúc, trao đổi với các doanh nghiệp đã và đang XK trái cây sang Mỹ để tạo điều kiện giúp nông dân thu hoạch vải đúng thời điểm, bảo đảm chất lượng.
Một tin mừng nữa cho bà contrồng vải thiều ở Hải Dương đó là Bộ Nông nghiệp Úc vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Úc đã chính thức mở cửa cho trái vải của Việt Nam vào thị trường nước này. Như vậy sau Mỹ, Úc là thị trường khó tính thứ hai chấp nhận NK trái vải tươi của Việt Nam.
Bà Vũ Thị Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết: “Việc XK vải thiều sang Mỹ và Úc, nếu thành công sẽ thêm cơ hội đưa sản phẩm này đến với nhiều quốc gia khác trên thế giới, từng bước khắc phục tình trạng khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm vải, tạo tiềm lực phát triển kinh tế địa phương”
Huy Thuấn