Nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo
Theo đó, chi cục QLTT nhiều địa phương đã nêu một số đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần sửa đổi, bổ sung thống nhất một số văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu.
Các chi cục đã điểm danh những văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn chồng chéo, như: Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 176/2013/NĐ-CP; Nghị định 80/2013/NĐ-CP, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, Nghị định 176/2013/NĐ-CP...
Về Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, các chi cục QLTT cho rằng đã không còn phù hợp với thực tiễn, vì hiện nay giá do các DN bán hàng đa cấp đăng ký với Cục Quản lý cạnh tranh cao hơn giá thị trường hoặc giá nhập khẩu hàng chục lần, có mặt hàng gấp cả trăm lần.
Đây là điều kiện cho một số DN thổi phồng giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa để trục lợi. Đồng thời, cần quy định việc đăng ký địa điểm hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương để công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về hoạt động này của lực lượng chức năng được thuận lợi hơn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích người dân.
Văn bản “đá” nhau rõ ràng nhất là tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Thương mại thì mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh.
Nhưng theo Luật Đầu tư năm 2014 thì sản phẩm thuốc lá thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, việc xử lý các vụ mua bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu của lực lượng chức năng còn lúng túng, đề nghị Chính phủ sớm hướng dẫn vấn đề này.
Về hóa đơn, các văn bản quy phạm pháp luật không quy định cụ thể về thời hiệu nên các đối tượng kinh doanh thường lợi dụng quay vòng hóa đơn, để hợp thức hóa chứng từ hàng nhập lậu gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý theo Thông tư Liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015. Chưa nói đến thông tư liên bộ này cũng đang có rất nhiều vấn đề cũng cần phải sửa đổi.
Cụ thể, theo quy định của Thông tư 64 thì hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường phải có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp ngay tại thời điểm kiểm tra…
Phát sinh nhiều bất cập trong quá trình xử lý
Thực tế, phát sinh nhiều bất cập trong quá trình xử lý, tại thời điểm kiểm tra không xuất trình được hoá đơn chứng từ, nhưng sau thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính hoặc đã ban hành quyết định xử phạt chủ hàng lại cung cấp đầy đủ hoá đơn chứng từ. Điều này dẫn đếnkhiếu nại, khởi kiện ra toà hành chính của đối tượng vi phạm,cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn công tác.
Về phân bón, cần xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 202/2013/NĐ-CP nên giao cho một bộ chịu trách nhiệm quản lý phân bón, tránh chồng chéo trong công tác quản lý; bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với các hoạt động như sang chiết, đóng gói phân bón, gia công phân bón, quảng cáo, hội thảo giới thiệu phân bón; ban hành các quy chuẩn quốc gia về phân bón để quản lý chất lượng phân bón; thu gọn danh mục phân bón được phép sản xuất, lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc xử lý, theo Thông tư 29/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định dung sai được chấp nhận khi so sánh kết quả phân tích giữa các phòng thí nghiệm là ± 5%. Nhưng thực tế, kết quả kiểm định mẫu phân bón giữa các trung tâm, nhiều trường hợp có dung sai vượt ngoài ± 5% khiến cho lực lượng kiểm tra thiếu căn cứ để xử lý, vì thế,cần có hướng dẫn cụ thể trường hợp này.
Về Nghị định 19/2016/NĐ-CP ngày 22/03/2016 của Chính phủ về kinh doanh khí, cần bổ sung quy định giải quyết đối với vỏ bình gas (chai LPG) sau khi tịch thu,xử lý.
Việc cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP) theo quy định hiện nay, Bộ Công Thương chỉ phân cấp cho các sở công thương,gây rất nhiều khó khăn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Đề nghị cần sửa đổi theo hướng phân cấp đơn vị quản lý cấp huyện được xác nhận kiến thức cho các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ để thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, theo quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thì phải ký cam kết bảo đảm ATTP theo quy định của Luật An toàn thực phẩm với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Nhưng Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 24/11/2013 không có chế tài xử phạt đối với hành vi không thực hiện ký cam kết đảm bảo ATTP, gây lúng túng cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát…
Theo ý kiến của chi cục QLTT 19 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, những vướng mắc trong xử lý hành chính các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại... phần lớn bắt nguồn từ những chế tài trong các văn bản pháp luật chồng chéo, thậm chí “đá” nhau, không những gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát, mà còn tạo cơ hội cho gian thương, những DN kinh doanh không chính đáng vi phạm pháp luật.
Do đó, những quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn,cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung để hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại nâng cao hiệu quả.
Trần Minh Tích