THCL Với số lượng thương nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành công thương quản lý trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) khoảng trên 1.100 thương nhân nên vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được BCĐ 389 huyện đặc biệt quan tâm.
Theo đánh giá của lực lượng quản lý thị trường, vấn đề VSATTP diễn biến rất phức tạp nơi này, nơi khác có những vụ việc cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra xử lý về nội tạng bẩn, ngâm tẩm hóa chất trong hoa quả, kích thích tăng trưởng trong giá đỗ, formol sử dụng trong sản xuất bánh phở và gần đây việc sử dụng hoạt chất vàng ô và sabutamol trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, chất tạo nạc” của các đối tượng làm ăn bất chính, phi pháp, vô lương tâm cả xã hội lên án.
Ảnh minh họa
Trước tình hình trên, BCĐ 389 huyện Hoài Đức tổ chức tuyên truyền phòng ngừa vi phạm: Trên cơ sở điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường BCĐ 389 huyện đã chỉ đạo các ban ngành, UBND các xã (thị trấn) làm tốt công tác tuyên truyền phòng ngừa. Tổ chức hội nghị truyền thông trực tiếp tại xã La Phù, Minh Khai, Dương Liễu khoảng 800 người tham dự. Cán bộ địa bàn hướng dẫn, ký cam kết trực tiếp theo mẫu của BCĐ 389/TP được 3.077 thương nhân. Tuyên truyền phổ biến pháp luật trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã.
Các lực lượng thuộc BCĐ 389 Hoài Đức đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch của Đội chuyên đề về VSATTP. Tập trung kiểm tra ngay từ đầu vụ, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở chuyên kinh doanh nguyên liệu và phụ gia chế biến thực phẩm, cơ sở in bao bì, bao gói trực tiếp lên sản phẩm hàng hóa là thực phẩm.
Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm kiểm tra lấy mẫu giám định chất lượng theo công bố về VSATTP. Kiểm tra về định lượng nhãn hàng hóa thực phẩm, tên hàng hóa, tên địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, hạn sử dụng “ là vấn đề người tiêu dùng quan tâm và nếu phát sinh hệ quả pháp lý là cơ sở để truy suất nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Kết quả kiểm tra, kiểm soát năm 2016 của BCĐ 389 huyện Hoài Đức đã kiểm tra 2.406 vụ, xử lý 734 vụ, phạt hành hính 5.934.981.000 đồng; Giá trị hàng hóa tịch thu, buộc tiêu hủy: 400.000.000 đ
Trong đó, có những vụ điển hình như: Lực lượng QLTT phối hợp với Đội 7 PC46 Công an TP. Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm do bà Bùi Thị Minh làm chủ; địa chỉ: Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội. Đã tiến hành phạt gần 20 triệu đồng về hành vi .không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hàng hoá là mỹ phẩm các loại có chữ nước ngoài không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.Tịch thu: 17.500 đơn vị sản phẩm các loại.
Phối hợp với Công an kinh tế huyện Hoài Đức khám kho hàng hóa tại xã Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thương mại Dịch vụ Minh Châu, đã phát hiện Công ty có hành vi kinh doanh phụ gia thực phẩm nhập lậu; Tịch thu, tiêu hủy: 2 tấn phụ gia thực phẩm…
Tuy nhiên, để ngăn chặn thực phẩm, phụ gia “bẩn”, yêu cầu đặt ra là sự vào cuộc, phối hợp của mọi người trong xã hội, của cả hệ thống chính trị. Theo đó, người tiêu dùng cần thông thái lựa chọn mua sản phẩm, địa điểm, hệ thống cửa hàng phân phối tin cậy. Phát hiện phản hổi thông tin cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương những hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với cơ sở sản xuất – kinh doanh cần nâng cao năng lực sản xuất, sản xuất bền vững, cạnh tranh lành mạnh, , trên cơ sở chất lượng giá thành, uy tín và thương hiệu. Về việc này, Hoài Đức có nhiều doanh nghiệp, đơn vị cho ra xã hội những sản phẩm phân phối hàng hóa thực phẩm như: Công ty Đức Hạnh, Công ty TNHH Việt Thái, Thực phẩm Minh Dương, sản phẩm hàng hóa rau, hoa quả của xã Di Trạch, Lại Yên... cần được nhân rộng
Phối hợp cơ quan chức năng trong quản lý, tố giác các trường hợp sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng cạnh tranh không lành mạnh. Cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương phải làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, phối hợp trong việc trao đổi thông tin phục vụ công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiểm tra xử lý vi phạm
Điều kiện mặt bằng sản xuất cũng là nhân tố quyết định đến VSATTP do vậy quy hoạch làng nghề, quy hoạch các cụm CN cần được các cấp, các ngành quan tâm và đẩy nhanh tiến độ các dự án. Vấn đề môi trường, giao thông tại các khu vực làng nghề cần được chính quyền cơ sở quan tâm đúng mực.
Về phía lực lượng QLTT cam kết tiếp tục phối hợp tốt với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn triển khai đồng bộ những giải pháp nêu trên với mục tiêu thị trường sạch, vì sức khỏe cộng đồng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ của lực lượng QLTT năm 2017 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giao nhiệm vụ năm 2017 ngành Quản lý thị trường phải tạo ra phong trào chống hàng giả, hàng lậu. Bởi, tình trạng buôn lậu, hàng giả ngày càng tinh vi hơn, nhất là buôn lậu đường, thuốc lá, phân bón, hóa chất. Một số nơi, tình trạng buôn lậu diễn ra công khai....
Trong năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 104.807 vụ vi phạm, tăng 1.061 vụ so với năm 2015; tổng số thu nộp ngân sách 548,9 tỷ đồng, tăng 89,1 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2015. Một số lĩnh vực, mặt hàng đã được tích cực kiểm tra, kiểm soát như: Phân bón: xử lý 2.216, tăng hơn 150%; phạt hành chính 22,67 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm 2015; chuyển cơ quan điều tra 12 vụ; Thuốc lá: xử lý 8.415, tăng 16%; phạt hành chính 30,35 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2015; tịch thu trên 1,4 triệu bao thuốc lá nhập lậu các loại, thu giữ 12 ô tô, 824 xe máy và 13 phương tiện các loại, chuyển cơ quan điều tra 73 vụ.
Theo BCĐ 389