Hiệu quả từ mô hình hoa đồng tiền Đồng Tháp
Những ngày cuối năm 2024, có mặt trên cánh đồng trồng hoa đồng tiền thôn Bãi Tháp, Bãi Thụy,… thuộc xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi những nhà màng, nhà lưới nối tiếp nhau trải dài ngút tầm mắt. Đây là một trong những vùng chuyên canh hoa đồng tiền lớn nhất Thủ đô Hà Nội hiện nay với quy mô gần 30ha.
Anh Chu Mạnh Trí - người dân trồng hoa tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng bộc bạch chia sẻ: “Là loài hoa cắt cành, đồng tiền có ưu điểm trồng một lần được thu liên tục trong 5 năm mới phải trồng lại. Cây trồng cũng ít bị sâu bệnh, chăm sóc không quá cầu kỳ. Nếu đồng tiền được trồng trong nhà màng, cây sẽ tránh được các tác động bởi thời tiết, năng suất, chất lượng cao hơn.
Thời điểm này, các lứa hoa phục vụ cho dịp Tết đang được các nhà vườn chăm sóc tỉ mỉ, phát triển đẹp chờ ngày đơm bông”.
Đang thu hái tại vườn, bà Trần Thị Nhuần - người dân trồng hoa ở xã Đồng Tháp phấn khởi cho biết: Toàn bộ các công đoạn từ gieo trồng, thu hái hoa đều làm bằng tay, chưa có máy móc nào hỗ trợ. Mỗi đợt thu hoạch, hoa sẽ được thu nhanh chóng, sau đó ngâm vào nước để đảm bảo độ tươi. Bà con sẽ bao bọc và bó thành từng bó nhỏ 20 bông giúp hoa không bị nở bung và hư hỏng trong quá trình vận chuyển ra thị trường.
“Đồng tiền là loại hoa có sức tiêu thụ ổn định trên thị trường, giá bán trên thị trường là 1.000 – 2.000 đồng/bông. Vào những dịp lễ Tết, hoa bán được từ 3.000-4.000 đồng mỗi bông. Trồng hoa thu nhập cao và ổn định hơn rất nhiều so với các cây trồng khác", bà Nhuần cho biết.
Theo chia sẻ của người dân xã Đồng Tháp, thì bên cạnh việc chăm sóc hoa vào mỗi dịp Tết, trung bình, các ngày trong năm cứ 3 ngày người trồng hoa đồng tiền lại cắt 1 lần với số lượng khoảng 400 bông/sào. Quay vòng như vậy nên ngày nào những người làm vườn nơi đây cũng có hoa để bán ra thị trường. Việc trồng hoa đồng tiền và một số cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao đã giúp đời sống của người dân nơi đây khởi sắc lên rất nhiều so với trước đây.
Đưa sản phẩm OCOP phát triển xứng tầm
Sau thời gian đi vào hoạt động, đến nay tại xã Đồng Tháp đã trồng thành công hơn 10 giống hoa đồng tiền với đủ các bảng màu được khách hàng ưa chuộng. Theo chia sẻ của một người dân xã Đồng Tháp, loại hoa này rất hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Từ một vài hộ trồng ban đầu, diện tích nhỏ, hiện có rất nhiều hộ dân đã trồng hoa đồng tiền.
Khi được hỏi về quá trình ‘bén duyên’ với cây hoa đồng tiền trên những cánh đồng chỉ độc canh cây lúa (người dân đã chuyển đổi 100% diện tích cấy lúa sang trồng hoa đào, bưởi, phật thủ, đặc biệt là hoa đồng tiền), thì người dân xã Đồng Tháp nhắc ngay đến anh Bùi Văn Khá – người đầu tiên đưa hoa về trồng. Hiện, anh Khá cũng là Giám đốc Hợp tác xã hoa Đồng Tháp.
Anh Bùi Văn Khá cho biết, tính trên cả xã Đồng Tháp, hiện có gần 30ha trồng hoa đồng tiền, tập trung chủ yếu ở các thôn Bãi Thụy, Bãi Tháp và Đồng Vân. Trong đó, có 8 hộ tham gia vào HTX hoa Đồng Tháp để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Riêng, hộ gia đình anh Khá có khoảng 2ha và toàn bộ diện tích được anh Khá trồng trong nhà màng.
“Nhận thấy việc trồng hoa của nhiều vùng lân cận như Tây Tựu, Mê Linh,... cây hoa rất phát triển, phù hợp với điều kiện canh tác. Tôi cứ suy nghĩ mãi tại sao họ làm được mà nông dân xã nhà không làm được. Sau khi tìm hiểu kỹ, từ năm 2000, tôi đã quyết định chuyển hướng trồng hoa thay cấy lúa. Ban đầu, tôi trồng nhiều loại khác nhau, nhưng cây hoa đồng tiền phù hợp nhất nên tôi chỉ tập trung chuyên canh giống hoa này” – anh Khá nói.
Đặc biệt, hoa đồng tiền Đồng Tháp đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào tháng 2/2023. Đây cũng là mô hình chuyển đổi số nông nghiệp điển hình của Hội Nông dân huyện.
Ông Bùi Lê Huy, Chủ tịch UBND xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng cho biết: Sản xuất nông nghiệp theo hướng mới đã thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đời sống nhân dân ngày càng một thay đổi; kinh doanh dịch vụ kéo theo càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng theo hàng năm. Đồng thời, giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường.
Định hướng đưa sản phẩm sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết và ứng dụng chuyển đổi số gắn với việc phát triển nông nghiệp với du lịch trải nghiệm thân thiện với môi trường. “Vốn chỉ quen trồng lúa, thế nhưng những người nông dân Đồng Tháp đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại một sức sống mới cho vùng đất ven đô. Thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng, tiến tới hình thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách”, ông Bùi Lê Huy nói.
Một số hình ảnh Phóng viên ghi nhận thương hiệu hoa đồng tiền Đồng Tháp - sản phẩm OCOP 3 sao tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội:
Minh An