Toàn cảnh Tọa đàm
Chuỗi cung ứng bị đình trệ
Sáng 21/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III và 9 tháng đầu năm 2020". Chuỗi Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS).
Báo cáo nêu rõ: Nhiều nền kinh tế hứng chịu tăng trưởng âm trong Quý 2/2020. Việc hầu hết các nền kinh tế lớn buộc phải đóng cửa trong các tháng đầu năm có tác động nghiêm trọng lên thị trường lao động và gây đình trệ chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Các gói kích thích kinh tế với quy mô lớn tiếp tục được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Kinh tế Trung Quốc trong Quý 2/2020 bắt đầu hồi phục tăng trưởng ở mức 3,2%, sau khi sụt giảm mạnh vào Quý 1 ở mức âm 6,8%. Trong 9 tháng, PBoC đã ba lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại, đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Thu ngân sách nước này đã bắt đầu tăng trở lại từ tháng Sáu. Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức 0 - 0,25%, tiếp tục mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Các gói hỗ trợ tài khóa cũng tiếp tục được chính phủ thực hiện.
Theo ước tính mới nhất vào tháng 9 của Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Mỹ, thâm hụt ngân sách Mỹ trong năm 2020 có thể chạm mức 3,3 nghìn tỷ USD. Tại châu Âu, ECB giữ nguyên lãi suất và chi thêm 120 tỷ EUR vào gói thu mua tài sản (APP) cho đến cuối năm và chi thêm 600 tỷ EUR cho PEPP, nâng tổng trị giá của chương trình này lên mức 1.350 tỷ EUR.
Cuối tháng 9, Ủy ban châu Âu thông qua gói tài trợ 87,4 tỷ EUR cho các nước thành viên để bảo vệ thị trường lao động. Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong Quý 3/2020, đạt 2,62%. Tính chung 9 tháng năm 2020, GDP tăng 2,12%.
Cũng theo báo cáo, trong 9 tháng năm 2020, cả nước có gần 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký và giảm 16,3% về số lao động so với chín tháng đầu năm 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 2,98%, lạm phát bình quân 9 tháng năm 2020 ở mức 3,85% do giá dịch vụ ăn uống, lương thực, thực phẩm tăng.
Tỷ giá trung tâm tại NHNN gần như đi ngang trong suốt Quý 3/2020. Tỷ giá tại các NHTM có xu hướng tương tự. Tỷ giá có thể giữ mức thấp đến hết năm do VND khó giảm mạnh giá trị so với đồng USD, một phần vì đồng USD đang có xu hướng suy yếu. Nhìn chung, giá vàng trong nước đang theo sát những bước tiến của giá vàng thế giới. Với triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, dự báo trong quý tới giá vàng trong nước vẫn ở mức cao.
“Dự báo, tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Việt Nam nằm trong khoảng 2,6 - 2,8% khi việc kiểm soát hoàn toàn dịch COVID-19 trong các tháng còn lại của năm diễn ra thuận lợi như hiện nay. Tuy nhiên, nếu có những diễn biến bất lợi đột ngột xuất hiện trong những tháng cuối năm, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 1,8-2% hoặc thấp hơn cho cả năm 2020”, báo cáo của VEPR đề cập.
Nên có gói hỗ trợ thứ 2?
Bày tỏ sự đồng tình với đánh giá nhận định của nhóm nghiên cứu, đây là báo cáo toàn diện cả kinh tế và xã hội trong nam nay và trong trung hạn liên quan tới chính sách tài khoá, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, tác động của EVFTA rất tích cực đối với Việt Nam. Sau 2 tháng 8, 9/2020, xuất khẩu sang EU tăng tích cực. Nếu như hết tháng 7, xuất khẩu sang EU bị giảm khoảng 10,3% so với cùng kỳ, thì tới hết tháng 9, mức giảm chỉ còn 4,6%.
Theo TS. Lực, nông nghiệp là lĩnh vực tăng trưởng ấn tượng, mặc dù thiên tai, lũ lụt nhưng nông nghiệp có mức tăng tương tự năm ngoái, là bệ đỡ quan trọng đóng góp khá vào tăng trưởng chung của kinh tế Việt Nam.
TS. Lực cũng phân tích liên quan tới vấn đề thâm hụt ngân sách, nợ công. Tuy mức độ tăng kể cả sau khi đã tính theo GDP thường trực, nhưng vẫn ở mức độ chấp nhận được. Năm tới, đà nợ công tăng, nghĩa vụ trả tăng lên, nhiều trái phiếu Chính phủ ban hành trước đây đến hạn phải trả …Quốc hội đã có cảnh báo Chính phủ về khía cạnh này, đã nhận diện rủi ro và có kiểm soát trong vài năm tới.
Từ đó, TS. Lực nêu lên một số kiến nghị về chính sách, cụ thể:
Thứ nhất, Việt Nam vẫn phải thực hiện mục tiêu kép trong năm nay và năm tới. Nhiều khả năng nước ta sẽ có vắc xin phòng ngừa Covid-19 vào cuối năm 2021, vì vậy, chúng ta phải chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Việc thực hiện mục tiêu kép vô cùng quan trọng.
Thứ hai, tiếp tục tìm kiếm một số động lực tăng trưởng mới hoặc thay thế cho động lực truyền thống đang gặp khó khăn như xuất khẩu, cùng chia sẻ khó khăn với các nước trên thế giới. Hai trụ cột khác là đầu tư, tiêu dùng trong nước phải tập trung đưa vào. Một động lực quan trọng bổ sung thay thế là phát triển kinh tế số, khu vực có mức tăng trưởng đột biến trong 9 tháng năm 2020, Trong đó nền tảng Internet Banking tăng 180%. Hết năm nay, thương mại điện tử tăng bằng mức dự kiến của cả 5 năm, đây là lợi thế, ưu thế lớn để Việt Nam tận dụng và phát huy.
Thứ ba, về các gói hỗ trợ, đều được đưa ra rất sớm, tuy nhiên, quá trình thực hiện rất chậm và có nhiều vướng mắc, đến nay mới giải ngân được 25-30% (cả gói hỗ trợ tài khóa và an sinh xã hội). Với gói an sinh xã hội, cách đây 2 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý mở rộng đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của Covid-19, các đối tượng nhận tiền mặt của gói hỗ trợ cũng được nới rộng hơn.
Gói giãn thuế mới giải ngân được 53.000 tỷ cho doanh nghiệp, đạt dưới 30% so với tổng 180 ngàn tỷ đồng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu sớm nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng cần dài hơi hơn, tiêu chí cụ thể hơn và mức độ tiếp cận tốt hơn.
Với gói tiền tệ tín dụng. Hết quý 3, hệ thống ngân hàng vẫn có báo cáo kết quả tích cực, có thể là do độ ngấm với hệ thống ngân hàng vẫn có độ trễ nhất định về tác động lợi nhuận; việc trích lập dự phòng rủi ro thông thường cuối năm mới rà soát và trích lập đầy đủ, khi đó mới thấy rõ bức tranh đầy đủ và đánh giá được một cách tổng thể.
Trước những ý kiến có nên đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 không, TS. Lực cho rằng nên nghiên cứu để có gói hỗ trợ thứ hai.
“Phải có vì dịch bệnh chưa biết đến khi nào kết thúc, doanh nghiệp còn rất khó khăn, và tất nhiên phải khác với cách thiết kế của gói thứ nhất, và dự kiến quy mô gói là 150 ngàn tỷ đồng. Tổng 2 gói triển khai hết tương tự với 5-5,5% GDP, bằng mức trung bình gói hỗ trợ của các nước Asean, tương đương 12% GDP mức của các nước thế giới”, TS. Lực nhấn mạnh.
Đoàn Huế