Quang cảnh lễ công bố kết quả nghiên cứu
Quang cảnh lễ công bố kết quả nghiên cứu 

Ngày 27/6/2023, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã tổ chức lễ công bố kết quả nghiên cứu "Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình".

Theo VESS, xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng. Do đó, việc đánh các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và chi tiêu của hộ gia đình. Tại Việt Nam, hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu các loại thuế như: Giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (khoảng 10%), tiêu thụ đặc biệt (từ 8%-10%) và bảo vệ môi trường.

Thông qua nghiên cứu và tìm hiểu các đặc điểm chính của thị trường xăng dầu xăng dầu Việt Nam, VESS đã có cái nhìn tổng quan về thị trường này. Các quy định chi tiết và chặt chẽ trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP được xem như nhằm hướng tới mục đích duy trì ổn định của thị trường xăng dầu cũng như sự an toàn trong lao động và kinh doanh. Tuy nhiên, các chính sách này cũng gián tiếp gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và các bên liên quan tham gia thị trường, với nhiều dấu vết của các nhóm lợi ích muốn duy trì vị thế thị trường.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) Nguyễn Đức Thành nhận định, hệ quả là thị trường xăng dầu Việt Nam có tính độc quyền bán cao, dẫn tới rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng như đã thấy trong một số diễn biến gần đây. Như vậy, mục đích chính của quản lý thị trường đã không đạt được. Việc kiểm soát giá và điều hành giá xăng dầu nhằm giúp Chính phủ mong muốn đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời hy vọng ổn định mức giá của một đầu vào quan trọng trong nền kinh tế. Nhưng vấn đề này có thể hình thành tình trạng các doanh nghiệp bán lẻ bị lỗ vốn, đóng cửa, rút khỏi thị trường do lợi nhuận không đảm bảo đủ chi phí kinh doanh. Từ đó ảnh hưởng đến hạ tầng năng lượng trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và cuối cùng là an ninh năng lượng quốc gia.

Cơ chế hiện hành nhằm thực hiện dự trữ xăng dầu quốc gia đang đặt trách nhiệm lên doanh nghiệp đầu mối, làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp này vì họ phải gánh chịu hoàn toàn các chi phí liên quan. Gánh nặng này cuối cùng được chuyển lên vai người tiêu dùng cuối cùng. Ngoài ra, Giám đốc VESS cũng cho rằng, cách thức tính giá cơ sở hiện nay cũng có nhiều điểm yếu khiến giá xăng dầu cơ sở không phản ánh đúng giá xăng dầu thực tế và không theo kịp sự thay đổi giá xăng dầu của thị trường quốc tế.

Dựa trên phân tích về chi tiêu cho xăng dầu của các hộ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2012-2018, nhóm nghiên cứu nhận thấy, các hộ gia đình có thu nhập thấp có xu hướng tăng tiêu dùng cho xăng dầu qua các năm, đồng thời số hộ sử dụng xăng dầu tăng theo thời gian. Hộ gia đình thu nhập thấp có ít khả năng tiết kiệm chi tiêu xăng dầu hơn hộ gia đình có thu nhập cao bởi vì họ tiêu dùng xăng dầu ở mức cần thiết nên ít bị co dãn về giá đối với mặt hàng này. Các hộ này thường tập trung nhiều hơn ở các vùng kém phát triển kể cả về kinh tế cũng như hạ tầng giao thông hơn, ở nông thôn hay ở miền núi. Chính vì vậy, họ dễ bị ảnh hưởng nhiều hơn do sự thay đổi giá xăng dầu so với các nhóm thu nhập trung bình, khá và giàu.

Nghiên cứu đã cho thấy một phần thực trạng của thị trường xăng dầu Việt Nam. Việc cải cách giúp thị trường xăng dầu vận hành hiệu quả, đem lại mức giá thấp hơn và ổn định hơn, có thể giúp tăng phúc lợi đa chiều hộ gia đình tại Việt Nam trong dài hạn. Hai định hướng sẽ là: Tách bạch các phân đoạn thị trường trong chuỗi cung để tăng tính chuyên môn hóa của mỗi phân đoạn và tính cạnh tranh trong mỗi phân đoạn; tăng tính cạnh tranh trên tất cả các phân đoạn thị trường của toàn chuỗi cung ứng thông qua việc giảm điều kiện kinnh doanh (nhằm giảm điều kiện gia nhập thị trường).

Cần loại bỏ các rào cản gia nhập thị trường cho mỗi phân đoạn, không dùng các điều kiện ràng buộc ở phân đoạn này để cản trở sự tham gia ở phân đoạn khác. Ví dụ, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc doanh nghiệp phân phối thì không nhất thiết phải sở hữu các cửa hàng bán lẻ hoặc bắt buộc phải đã có hợp đồng với các tổng đại lý/đại lý hoặc các nhà phân phối cấp thấp hơn. Hoặc các doanh nhiệp phân phối cấp thấp hơn (hoặc của hàng bán lẻ) có thể nhập xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm tăng tính cạnh tranh của các nhà cung ứng, và đo đó cải thiện chất lượng cung cấp. Nên để quá trình hình thành chuỗi cung ứng diễn ra tự nhiên theo điều kiện của mỗi doanh nghiệp trên thị trường.

Để tăng tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh xăng dầu, đại diện nhóm nghiên cứu đề xuất nên xem xét loại bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu của Bộ Xây dựng để tăng tính cạnh tranh cho thị trường; quy rõ trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cho các bên tham gia; sửa đổi chính sách liên quan như các quy định vận hành thị trường, chiết khấu, cho phép doanh nghiệp bán lẻ được nhập xăng dầu từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau. Từ đó tạo nên sự cạnh tranh trong giá, chất lượng xăng dầu bán lẻ giữa các doanh nghiệp với nhau, gián tiếp mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nước.

Việc kiểm soát giá và điều hành giá xăng dầu giúp Chính phủ đảm bảo an ninh năng lượng, giúp ổn định kinh tế thị trường do xăng dầu là một trong những chi phí đầu vào quan trọng cấu thành lên giá của các sản phẩm khác. Nhưng việc kiểm soát giá xăng dầu có thể gây ra tình trạng các doanh nghiệp bán lẻ có thể bị thua lỗ, buộc phải đóng cửa, rút khỏi thị trường do giá xăng dầu cơ sở không sát với giá thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời có thể ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng khi giá xăng cơ sở cao hơn so với giá xăng dầu thực tế trong nước.

“Chính phủ và các cơ quan ban ngành liên quan cần tính đúng và tính đủ giá xăng dầu cơ sở, đảm bảo cân bằng hài hòa lợi ích của các bên. Để thị trường xăng dầu vận hành dưới sự giám sát của Nhà nước, có thể giúp tăng tính tự do của thị trường, Chính phủ nên xem xét nghiên cứu hình thành, xây dựng sàn giao dịch cung cấp xăng dầu trong nước. Điều này sẽ tác động đến giá xăng dầu cốt lõi trong tính giá cơ sở, cũng như giải quyết vấn đề về dự trữ xăng dầu quốc gia, ông Thành nêu quan điểm.

Trong bối cảnh thị trường xăng dầu biến động liên tục như hiện nay, cách tính các khoản thuế lên mặt hàng xăng dầu có thể không còn phù hợp. Với tỷ trọng thuế 25% (2022), thay đổi cách áp thuế lên mặt hàng xăng dầu có thể thay đổi giá xăng dầu bán lẻ một cách đáng kể. Để giảm tỷ trọng thuế xăng dầu trong giá cơ sở cũng như để tránh các khoản thu từ thuế tăng mạnh do giá xăng dầu thế giới tăng cao khiến giá xăng dầu bán lẻ ở mức cao như năm 2022, cần thay đổi cách áp hai khoản thuế bảo vệ môi trường hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng như các quốc gia khác trên thế giới. Đồng thời, lưu ý ngay cả các loại thuế tương đối vốn có (như VAT, thuế nhập khẩu), cũng cần cân nhắc một giới hạn tuyệt đối, ví dụ 3000 VNĐ/lít. Những mức tuyệt đối này cần được điều chỉnh định kỳ theo điều kiện thị trường và xã hội.

Trần Nguyên