Vi phạm vẫn tái diễn

Sau khi Cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành kiểm tra và ban hành quyết xử phạt về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu những tưởng việc kinh doanh hàng hóa tại hệ thống Monnie Kids, hệ thống Cartoon’s Baby và hệ thống Bắp Kids sẽ được chấn chỉnh theo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, người tiêu dùng không khỏi bức xúc khi một loạt hệ thống (hệ thống Monnie Kids, hệ thống Cartoon’s Baby và hệ thống Bắp Kids) mà Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã phản ánh trước đó vẫn tiếp tục tái diễn vi phạm, kinh doanh nhiều sản phẩm không nhãn phụ tiếng Việt, có dấu hiệu nhập lậu, thể hiện sự “coi nhẹ” pháp luật cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

Nhiều sản phẩm không nhãn phụ tiếng Việt vẫn được hệ thống Monnie Kids bày bán một cách công khai
Nhiều sản phẩm không nhãn phụ tiếng Việt vẫn được hệ thống Monnie Kids bày bán một cách công khai.

Để có cái nhìn khách quan, đa chiều, phóng viên đã có mặt tại một số cửa hàng thuộc các hệ thống và ghi nhận những lo lắng của khách hàng hoàn toàn có cơ sở.

Cụ thể, ngày 18/10, phóng viên có mặt tại hệ thống Monnie Kids, điển hình như cơ sở Monnie Kids số 299 Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) và 55 Khúc Thừa Dụ (Cầu Giấy, Hà Nội) ghi nhận nhiều sản phẩm có nhãn gốc bằng chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt đang được bày bán công khai như sữa Blédilait, sữa Enspire, sữa Nan Optipro, sữa Aptamil, bình đựng sữa All in one bottle và Heartgom Feeding Bottle, sữa tắm Cetaphil, sữa tắm Klorane Bebe, núm ti OU wish, núm ti Real Fit Nipple, dầu hạt Wolfberry Chia Oil, nước giặt Arau Baby, sản phẩm bổ sung Baby Ddrops Liquid Vitamin D3 400 IU, Vitamin k2+D3, Prospan, Vitamins D3&K2 mk7, Children’s Ear Nose&Throat, Children’s Immune Build, Elevit bầu, Penaten Puder, một số sản phẩm in chữ nước ngoài (giống chữ Hàn Quốc) khác...

Không khó để bắt gặp những sản phẩm có nhãn gốc bằng chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt tại hệ thống Cartoon's Baby
Không khó để bắt gặp những sản phẩm có nhãn gốc bằng chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt tại hệ thống Cartoon's Baby.

Cùng ngày, tại 03 cơ sở thuộc hệ thống Cartoon’s Baby địa chỉ 36 Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội), 195 Đại La và 216 Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) phóng viên cũng nhận thấy nhiều sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt đang được bày bán như sữa hộp MariGold, Organic Rice Puffs, Pom’potes, Panaten, Kem dưỡng ẩm QV Baby, sữa Meiji, thực phẩm SpringLeaf, thực phẩm Centrum, thực phẩm Pregnacare max, Original Lung Detox, Cod Liver Oil Omega 3, sữa Dry Whole Milk, sữa Pediasure, sữa BlackMores, thực phẩm L’ilCritters, Prospan, thực phẩm Kids Gummy Multivitamins, Kids DHA, Children’s Calm&Sleep, Nat&Form Junior Immunité, sữa Infatrini, sữa resource, váng sữa Gourmand...

Ngoài ra, tại hệ thống Bắp Kids, nhiều sản phẩm quần áo (thu đông) cho trẻ nam và nữ, giày dép không nhãn phụ tiếng Việt, không thông tin nơi sản xuất, không đơn vị chịu trách nhiệm sản phẩm ra thị trường... cũng được phóng viên ghi nhận.

Trách nhiệm của cơ quan chức năng?

Theo Điều 7, Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13 ngày 8/3/2016, lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, theo điểm a khoản 2 Điều 20, Pháp lệnh Quản lý thị trường thì quyết định kiểm tra đột xuất được ban hành khi có một trong các căn cứ sau đây: Có thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được thẩm tra, xác minh, bao gồm: Từ phương tiện thông tin đại chúng; từ đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc tin báo của tổ chức, cá nhân; từ đơn yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân.

Ở một khía cạnh khác, theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 thì các hành vi kinh doanh hàng hóa không có nhãn; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc hoặc bị thay đổi; có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa; gian lận về thời hạn sử dụng; hàng hóa đã quá hạn sử dụng… ngoài việc bị phạt tiền sẽ bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng kể cả trong trường hợp vi phạm lần đầu.

Như vậy, ở đây, mặc dù đã bị lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử phạt sau phản ánh của cơ quan báo chí các cơ sở thuộc loạt hệ thống (hệ thống Monnie Kids, hệ thống Cartoon’s Baby và hệ thống Bắp Kids) vẫn tiếp diễn như chưa có chuyện gì xảy ra đã và đang gây ra nhiều nỗi lo đối với khách hàng.

Câu hỏi đặt ra, phải chăng chế tài xử lý vi phạm còn quá nhẹ khiến các cơ sở kinh doanh nêu trên “nhờn luật” hay đằng sau đó công tác quản lý của cơ quan chức năng, đặc biệt là các Đội Quản lý thị trường khu vực đang bị buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác giám sát, kiểm soát những trường hợp vi phạm trên địa bàn dẫn đến tình trạng chậm phát hiện và xử lý vi phạm.

Trước đó, dư luận cũng đã xôn xao trong việc nhiều cán bộ đã bị truy tố, kỷ luật do liên quan đến hành vi “nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do liên quan đến vụ án sản xuất 9,5 triệu cuốn sách giáo khoa giả trên địa bàn thành phố Hà Nội,.

Từ sự việc trên, đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội cần làm rõ và có hình thức xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp tái vi phạm (nếu có). Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giám sát tình trạng hoạt động kinh doanh trên địa bàn quản lý hướng tới bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hải Minh – Tuấn Quang