Mập mờ nguồn gốc xuất xứ
Bắp Kids là hệ thống bán lẻ và bán buôn các mặt hàng quần áo, phụ kiện cho trẻ nhỏ với đa dạng mẫu mã bắt kịp xu hướng thời trang trên thị trường. Hệ thống Bắp Kids có 06 cơ sở ở các quận thuộc thành phố Hà Nội với định hình phân khúc tương đối cao khi giá bán các mặt hàng tại đây dao động từ vài trăm nghìn cho tới cả triệu đồng một sản phẩm.
Tuy nhiên, phản ánh tới tòa soạn Thương hiệu và Công luận, nhiều khách hàng cho rằng các cơ sở thuộc hệ thống Bắp Kids tại Hà Nội đang bày bán nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định, đặc biệt là mặt hàng quần áo.
Để có cái nhìn khách quan và đa chiều, ngày 13/08/2022, phóng viên có mặt tại cơ sở Bắp Kids số 228 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, TP. Hà Nội), ghi nhận thực tế cho thấy tại đây đang bày bán các sản phẩm quần áo, giày dép, balo, thú bông, mũ... cho trẻ nhỏ (nam và nữ) từ 1 tuổi - 10 tuổi với mức giá từ vài chục nghìn đến cả triệu đồng một sản phẩm.
Theo quan sát, đặc điểm chung các mặt hàng tại đây đều được gắn mác thương hiệu Bắp Kids (hiển thị thông tin về giá và các cơ sở của hệ thống) nhưng tem sản phẩm lại được in hoặc thêu bằng nhiều ngôn ngữ, thương hiệu, ký hiệu lạ như Xitong, Mgiigo, Bingoboom, 27 Home, chữ giống Trung Quốc, 5, 6, 80, 100... Đáng nói, các sản phẩm này đều không có nhãn phụ tiếng Việt kèm theo các thông tin nơi sản xuất, đơn vị phân phối và chịu trách nhiệm về sản phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Lý giải cho việc này, nhân viên tại cửa hàng chia sẻ những ký hiệu đó nhằm tư vấn chọn size một cách tốt hơn cho bé: “Sản phẩm quần áo nhà em một số mẫu nhập từ công ty, còn một số mẫu là tự thiết kế, hàng tự thiết kế sẽ gắn nhãn Bắp Kids của bên em”. Dẫu vậy, khi phóng viên hỏi về nguồn gốc của một sản phẩm gắn mác Bắp Kids nhưng tem áo được in chữ nước ngoài (chữ Trung Quốc) thì nhân viên không trả lời được.
Tiếp đó, khi đề nghị được tiếp cận các thông tin, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc của một sản phẩm đồ bơi cho trẻ có giá 400 nghìn đồng tại cửa hàng, nhân viên ở đây cho biết: “Tất cả thông tin đã được in trên mác áo, khi mua bên em chỉ xuất được hóa đơn bán hàng chứ không xuất được hóa đơn đỏ (hóa đơn giá trị gia tăng)”.
Có mặt tại các cơ sở khác của hệ thống Bắp Kids: 361 Cầu Giấy và 118 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), 151 Chùa Bộc và 59 Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) và 262 Bà Triệu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), phóng viên cũng ghi nhận được tình trạng kinh doanh hàng hóa tương tự.
Quy định về nhãn hàng hóa
Theo điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa quy định những thông tin bắt buộc trên nhãn hiệu quần áo gồm tên quần áo và địa chỉ liên hệ của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về quần áo, nguồn gốc xuất xứ quần áo, thành phần hoặc thành phần định lượng của quần áo, thông số kỹ thuật quần áo, thông tin cảnh báo quần áo, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản quần áo, năm sản xuất quần áo.
Bên cạnh đó, Điều 30 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lượng và chất lượng sản phẩm, hàng hóa nêu rõ phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng khi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa.
Tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường; không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất; hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa; bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa; bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng; hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa; và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa; với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP hành vi bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý hành chính từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Chưa hết, theo Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về hóa đơn chứng từ thì tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải có nghĩa vụ lập hóa đơn để giao cho người mua, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho nhân viên và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả và phải ghi đầy đủ nội dung theo Điều 10 của Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.
Thiết nghĩ, để làm lành mạnh hóa thị trường trên địa bàn và đảm bảo quyền lợi của những doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật cũng như bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đề nghị Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ các sự việc trên.
Tuấn Quang