Biết sai phạm, vẫn triển khai

Nghiêm minh nhưng có quá vội vàng? Đây là câu hỏi được không ít người đặt ra bởi Công viên nước Thanh Hà là công viên nước lớn nhất Thủ đô do Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 xây dựng trên lô đất A2.2 CCĐT0,  thuộc khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội, mức đầu tư của công viên nước này lên đến hàng chục tỷ đồng. Dự án bị bắt buộc phải cưỡng chế chỉ sau 6 tháng đưa vào khai thác.

Quay trở lại từ những ngày đầu dự án bắt đầu được đầu tư xây dựng, ngày 6/12/2018, Đội quản lý trật tự xây dựng Quận Hà Đông đã tiến hành kiểm tra, thời điểm đó, dự án chưa thực hiện thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế và xin cấp giấy phép xây dựng. Dù không đáp ứng được các quy định của pháp luật nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục tiến hành thực hiện triển khai xây dựng công trình. Chính vì thế, ngay sau đó ngày 8/1/2019, Đội quản lý trật tự xây dựng Quận Hà Đông đã phải lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt ngay hành vi vi phạm, dừng ngay mọi hoạt động thi công công trình vi phạm. Do chủ đầu tư vẫn cố tình triển khai dự án, ngày 16/5/2019, UBND quận Hà Đông đã phải họp liên ngành các Sở (Kế hoạch đầu tư; Quy hoạch Kiến trúc; Xây dựng) và ra thông báo yêu cầu Chủ đầu tư dừng thi công công trình.

Hình ảnh công viên nước Thanh Hà khi chưa bị cưỡng chếHình ảnh công viên nước Thanh Hà khi chưa bị cưỡng chế

Dù có yêu cầu từ phía cơ quan chức năng về việc không được tiếp tục triển khai xây dựng do chưa đáp ứng đủ các yêu cầu pháp lý, nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng công trình. Đến đầu tháng 6/2019, đơn vị này đã đưa Công viên nước đi vào sử dụng. Ngày 21/11/2019, UBND phường Phú Lương đã có báo cáo về vi phạm trật tự xây dựng tại công trình này. Tới ngày 25/11/2019, Đội quản lý trật tự xây dựng Quận Hà Đông đã có Tờ trình số 152 gửi lãnh đạo Quận Hà Đông đề nghị ban hành quyết định khắc phục hậu quả đối với Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 tại lô A2.2 CCĐT01. Ngày 27/11/2019, UBND Quận Hà Đông đã ra Quyết định 4725 để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với lô đất này.

Nhận được quyết định yêu cầu khắc phục hậu quả đối với dự án Công viên nước Thanh Hà, chủ đầu là Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 đã có văn bản gửi UBND quận Hà Đông về việc tự tháo dỡ công trình vi phạm. Thời gian dự kiến, Cienco5 tự tháo dỡ là từ ngày 6/12/2019. Tuy nhiên, trong văn bản này lại không nêu thời hạn khi nào sẽ hoàn thành việc tháo dỡ. Sau một thời gian, do chủ đầu tư không tự thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm, ngày 24/12/2019, UBND quận Hà Đông đã phải ra Quyết định 5079 để cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình này. Thời điểm tiến hành cưỡng chế ngay sát thời gian Tết Nguyên đán cận kề, dẫn đến việc có nhiều luồng ý kiến đối với công trình này.

Sai phạm thì phải xử lý nghiêm, tránh tiền lệ xấu

Trong diễn biến mới nhất, Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc cưỡng chế, tháo dỡ tại công viên nước Thanh Hà. Trong kiến nghị của mình, đơn vị này cho rằng UBND quận Hà Đông đã thực hiện không đúng quy trình của pháp luật về cưỡng chế hành chính gây thiệt hại cho Công ty hàng trăm tỷ đồng.

Khung cảnh tan hoang của công viên nước Thanh Hà khi bị UBND quận Hà Đông cưỡng chếKhung cảnh tan hoang của công viên nước Thanh Hà 

Để hiểu hơn về những vấn đề khúc mắc này, PV đã tìm hiểu và trao đổi với UBND quận Hà Đông về quy trình cưỡng chế đối với dự án này. Theo khẳng định từ phía UBND quận Hà Đông, việc cưỡng chế đối với Công viên nước Thanh Hà đã được tiến hành theo đúng các quy trình, thủ tục được quy định. UBND quận Hà Đông ra quyết định 4725 về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với lô đất xây dựng Công viên nước Thanh Hà và chủ đầu tư đã có văn bản gửi UBND quận Hà Đông về việc “sẽ tự tháo dỡ công trình vi phạm từ ngày 6/12/2019”, thế nhưng sau đó, chủ đầu tư đã không thực hiện tự tháo dỡ. Ngày 17/12/2019, UBND phường Phú Lương kiểm tra hiện trạng, lập biên bản và có báo cáo số 427/BC-UBND, khẳng định nhiều hạng mục công trình như bể tạo sóng, bể kid, bể family, sông lười, bể bơi, đài phun nước, nhà dịch vụ... chưa được tháo dỡ. Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 không tự giác chấp hành quyết định khắc phục hậu quả, chưa thực hiện tháo dỡ toàn bộ hạng mục công trình xây dựng vi phạm.

Chính vì chủ đầu tư không tự nguyện tiến hành tháo dỡ nên ngày 24/12/2019, UBND quận Hà Đông UBND đã tổ chức cưỡng chế bằng việc ban hành Quyết định số 5079/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng không có giấy phép. Thời hạn thực hiện quyết định trong 15 ngày, nếu không tự nguyện sẽ bị cưỡng chế thi hành theo các quy định của pháp luật.

 “Các quy trình liên quan đến cưỡng chế đối với công trình này, UBND quận Hà Đông đã làm đúng quy định của pháp luật. UBND quận Hà Đông ra quyết định cưỡng chế, đồng thời cũng đã gửi quyết định đến cho chủ đầu tư, công khai tại địa điểm tổ chức cưỡng chế. Không thể có việc một dự án lớn như thế mà chính quyền khi ra quyết định cưỡng chế lại sai quy định”, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết.

Nhiều hạng mục bị phá hủy toàn bộ không còn nguyên vẹnNhiều hạng mục bị phá hủy toàn bộ không còn nguyên vẹn

Cũng liên quan đến việc cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà, dư luận cho rằng, có lãng phí khi tổ chức cưỡng chế công trình hàng chục tỷ này, khi chủ đầu tư đã có văn bản gửi UBND quận Hà Đông về việc đề xuất hiến tặng các công trình trên lô đất này cho UBND phường Phú Lương nhằm mục đích xã hội. Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho rằng, về góc độ cá nhân thì đó là tài sản, tuy nhiên ở góc độ lập lại kỷ cương trật tự đô thị thì phải xử lý theo các quy định của pháp luật.

“Sai phạm phải được xử lý, kỷ cương trật tự đô thị phải được làm rõ. Các quy định của pháp luật liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng đã rất cụ thể, do đó phải xử lý triệt để trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tránh tạo ra những tiền lệ xấu. Với trường hợp này, nếu UBND quận đưa vấn đề ra rồi để đấy thì sau này sẽ rất khó xử lý các trường hợp khác”, ông Ngọc cho biết. Được biết, chỉ trong một thời gian ngắn (hơn 3 tháng), tại Công viên nước Thanh Hà đã xảy ra hai vụ đuối nước thương tâm (tháng 6 và tháng 9/2019), gây bức xúc dư luận.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vì sao công trình được kiểm tra, xác định không đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý từ cuối năm 2018 mà không được xử lý kiên quyết ngay từ đầu? Phía UBND quận Hà Đông thẳng thắn thừa nhận, có giai đoạn, chính quyền cơ sở đã lơ là trong công tác quản lý, cụ thể là chính quyền phường Phú Lương và lực lượng thanh tra xây dựng, do trong quý I và quý II/2019, trên địa bàn xảy ra một số vụ việc phức tạp, lực lượng thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng của phường đã dồn quân tập trung vào các vụ việc này nên đã buông lỏng quản lý đối với công trình công viên nước. Hiện UBND quận Hà Đông đang tiến hành rà soát kiểm tra, sai ở khâu nào sẽ xử lý khâu đó.

Thiên Trường