Sáng nay, ngày 17/02, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Giao ban Tổ công tác của Chính phủ thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06/CP) từ ngày 06/01/2022 đến ngày 16/02/2022. 

Báo cáo việc thực hiện Đề án 06, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) cho biết: Từ sau Hội nghị của Chính phủ triển khai đề án (ngày 18/01/2022) đến nay, công tác chỉ đạo triển khai Đề án được thực hiện quyết liệt. Trong đó, cơ quan thường trực, bộ phận giúp việc tổ công tác (Bộ Công an- C06, V01), 100% cán bộ làm việc “xuyên Tết” để triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

Trung tướng Tô Văn Huệ phát biểu tại Hội nghị
Trung tướng Tô Văn Huệ phát biểu tại Hội nghị.

Riêng phía Bộ Công an, đã ban hành kế hoạch số 56/KH-BCA-C06 để triển khai Đề án theo chức năng của lực lượng công an nhân dân, trong đó, xác định việc thực hiện đề án 06/CP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn lực lượng; Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho đơn vị liên quan với quyết tâm thể hiện sự gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

Về kết quả phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích, Trung tướng Tô Văn Huệ thông tin: Tính đến ngày 16/02/2022, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia là 3.523 thủ tục; Số thủ tục hành chính cung cấp cho công dân trên cổng dịch vụ công là 1.956 thủ tục; Số thủ tục cung cấp hành chính cung cấp cho doanh nghiệp trên cổng dịch vụ công là trên 1.800 hồ sơ.

Số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia chỉ tính riêng ngày 16/02/2022 trên 97 triệu hồ sơ, tăng gần 656 nghìn hồ sơ so với ngày 15/02. Số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua dịch vụ công quốc gia đến ngày 16/02 gần 2,8 triệu hồ sơ, tăng trên 20 nghìn hồ sơ so với ngày 15/02. Trong đó, Bộ ngành có tổng dịch vụ công nhiều nhất là: Bộ Tài chính (271 dịch vụ), Bộ Giao thông Vận tải (207 dịch vụ); Bộ Y tế (164 dịch vụ). Bộ, ngành có tổng số dịch vụ công ít nhất là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Tòa án Nhân dân.

Đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực cư trú khi Đề án được ban hành, Trung tướng Tô Văn Huệ cung cấp số liệu: Tính từ ngày 01/07/2021 đến 15/02/2022, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên 196 nghìn hồ sơ. Tổng số hồ sơ đã trả kết quả cho công dân trên 191 triệu hồ sơ, tương ứng tỷ lệ 97,63% (trong đó: đăng ký thường trú trên 7.800 hồ sơ, đăng ký tạm trú trên 4.300 hồ sơ, khai báo tạm vắng 502 hồ sơ; thông báo lưu trú trên 179 000 hồ sơ). Trung bình 1 ngày nhận 1.225 hồ sơ và giải quết 1.197 hồ sơ. Tính từ khi đề án 06/QĐ-TTg được thông qua, từ ngày 06/01/2022 đến ngày 15/02, tổng hồ sơ được tiếp nhận là 60.487 hồ sơ. Trong đó, trung bình 1 ngày nhận 2.629 hồ sơ, giải quyết được 2.538 hồ sơ….

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến triển khai cung cấp dịch vụ công theo chức năng Bộ Công an, đến nay đã hoàn hành xây dựng 4/11 dịch vụ. Trong đó, xác nhận số CMND khi đã cấp thẻ CCCD; Cấp lại, đổi thẻ CCCD; khai báo tạm vắng; Thông báo lưu trú. Cùng với đó, đã tích hợp, sẵn sàng thực hiện việc thu tiền nộp phạt trên Cổng dịch vụ quốc gia với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình,…

Nhìn vào số liệu trên thì chúng ta thấy rằng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng cho dịch vụ công trực tuyến rất lớn và thực tế, hoạt động dịch vụ công trực tuyến thuận lợi và tiện ích nhưng sao người dân lại chưa "yêu thích" loại hình dịch vụ hiện đại này?

Vậy, một số tồn tại hạn chế của Đề án cần phải khắc phục như thế nào? Thực tế, một số bộ, ban, ngành và địa phương còn chậm, chưa thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc kết nối thực hiện tích hợp thẻ BHXH, BHYT vào thẻ CCCD gắn chíp và ứng dụng VNEID đã thực hiện tích hợp và thử nghiệm xong. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa có quy trình, văn bản hướng dẫn việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Một số địa phương như TP. HCM tiếp tục ban hành thẻ Bảo hiểm Y tế, nguy cơ lãng phí tài sản.

Về dịch vụ công trực tuyến, Trung tướng Tô Văn Huệ chia sẻ, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trong lĩnh vực cư trú và cấp, quản lý CCCD chưa tương xứng với tình hình thực tế do chưa biết, chưa được tuyên truyền về các thuận lợi, tiện ích khi sử dụng trên cổng dịch vụ công; do thói quen của người dân và yêu cầu của đơn vị có liên quan yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, thủ tục bản giấy, chưa chấp nhận các kết quả giải quyết môi trường điện tử. Bộ Công an đã phối hợp với văn phòng Chính phủ nghiên cứu các giải pháp thanh toán trực tuyến khi thực hiện dịch vụ công. Tuy nhiên, việc hoàn tiền đối với dịch vụ công không thực hiện được còn gặp nhiều khó khăn…..

Trung tướng Tô Văn Huệ nhấn mạnh: Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, Bộ Công an sẽ làm việc với 03 nhà mạng lớn và các Ngân hàng để chỉ đạo kết nối, xác thực dữ liệu người dùng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, trước mắt giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng SIM rác hiện nay.

Q.N (t/h)