Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng Hai và hai tháng đầu năm 2024 của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, thị trường cung ứng hàng hóa trước, trong và sau Tết ổn định, chương trình bình ổn thị trường của thành phố phát huy được hiệu quả, không xảy ra tình trạng sốt hàng, khan hàng. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (bán lẻ, dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch và dịch vụ khác) hai tháng đầu năm 2024 ước đạt 184.888 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
Tháng 02/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 84.200 tỷ đồng, giảm 16,4% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 41.783 tỷ đồng, giảm 11,9% do hầu hết doanh thu các nhóm hàng giảm bởi nhu cầu mua sắm của người dân tập trung vào tháng giáp Tết. Nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm nữ trang tăng 4,2% do có ngày Vía Thần Tài.
Doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 2.402 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 9.271 tỷ đồng, giảm 11,5%. Trong đó, doanh thu lưu trú đạt 1.234 tỷ đồng giảm 22,1%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 8.037 tỷ đồng giảm 9,6%.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Hai tăng 0,83% so với tháng trước. Có 9/11 nhóm hàng tăng giá và tăng cao nhất là nhóm giao thông với 3,26%. Nhóm giao thông tăng chủ yếu do bốn lần điều chỉnh giá xăng dầu vào các ngày 1, 8, 15 và 22/02. Bên cạnh đó, giá dịch vụ rửa xe, bơm xe; giá học phí học bằng lái xe tăng khi một số đơn vị thay đổi mức học phí cho năm học mới.
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao thứ hai với 1,24% chủ yếu do nhu cầu dịp Tết Nguyên đán tăng. Tiếp đến là chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,11% do các nhóm hàng như hoa, cây cảnh, vật cảnh; dịch vụ giải trí; du lịch trọn gói; khách sạn, nhà khách tăng giá.
Chỉ số giá vàng tháng Hai tăng 1,84% so với tháng trước và tăng 15,01% so với cùng kỳ; bình quân hai tháng đầu năm 2024 tăng 14,38% so với cùng kỳ.
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, bình quân hai tháng đầu năm 2024 CPI tăng 3,01% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ có nhóm bưu chính viễn thông giảm, 10 nhóm hàng còn lại chỉ số giá đều tăng, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng giá cao nhất với 7,75%.
Được biết, hiện TP. Hồ Chí Minh đang tăng cường công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông, kéo giảm số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu bia, chất kích thích, đảm bảo an toàn cho người dân du xuân. Do đó, doanh thu ngành ăn uống tháng Hai giảm so với tháng trước nhưng lũy kế hai tháng đạt 16.932 tỷ đồng, vẫn tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Minh An (t/h)