Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ chế quản lý giá thịt lợn theo cơ chế thị trường, phụ thuộc cung - cầu. Khi giá thịt lợn tăng cao ảnh hưởng đến chỉ số vĩ mô là CPI, ảnh hưởng đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.
Ông Hải cho biết, nước ta đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng là do dịch tả lợn châu Phi, ảnh hưởng rất lớn đến tổng đàn lợn trên toàn quốc. Theo báo cáo của ban ngành, đàn lợn 2019 giảm 21% so với 2018. Thế nhưng theo báo cáo của một số địa phương, đàn lợn có thể đã giảm 50%.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020
Hiện tại, nhiều tỉnh chưa công bố hết dịch nên nhiều nơi dám chưa tái đàn vì sợ tiếp tục thiệt hại. Chưa kể, nhiều gia đình cũng gặp khó khăn về nguồn vốn để tái đàn bởi để đàn lợn có chất lượng thì con giống phải sạch, mức giá lên tới 2-3 triệu đồng/con và thời gian nuôi lợn phải mất khoảng 4 - 6 tháng mới có thể xuất chuồng, vì vậy đó cũng là những khó khăn.
Ông Hải cho biết chỉ có 2 cách khắc phục tình trạng này là tái đàn và tăng cường nhập khẩu. Tuy nhiên, tái đàn thì không thể trong một thời gian ngắn mới có thể hoàn thành. Còn việc nhập khẩu thịt lợn cũng đang gặp khó khăn bởi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam không quen sử dụng thịt lợn nhập khẩu, vì thế các doanh nghiệp không dám nhập nhiều và sợ lỗ.
Ông Hải cũng cho biết, theo dự báo, cuối năm 2020, đàn lợn mới quay lại mức trước khi dịch tả lợn châu Phi diễn ra. Việc nhập khẩu thịt lợn đến hết tháng 4, số lượng mới chỉ đạt 45.000 tấn, so với yêu cầu 100.000 tấn. Hiện, Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT tập trung tái đàn và phối hợp các ngành khác là tăng cường nhập khẩu thịt lợn.
Ông Hải nói thêm, với các doanh nghiệp khi nhập khẩu thịt lợn chỉ phải làm thủ tục đơn giản về an toàn thực phẩm, chất lượng của sản phẩm, trực tiếp là Cục thú y sẽ yêu cầu các doanh nghiệp đến chi cục các vùng làm thủ tục tiếp. Sau khi nhận được giấy phép của chi cục, doanh nghiệp đến cơ quan hải quan cửa khẩu làm thủ tục nhập khẩu mà không cần qua Bộ nào làm thủ tục nữa.
Trong thời gian tới, với sự quyết liệt các bộ ngành, các địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi, kinh doanh mặt hàng thịt lợn, hy vọng từ nay sẽ cuối năm thịt lợn sẽ bình ổn đàn lợn như trước khi có dịch Châu Phi.
Trước câu hỏi của phóng viên có hay không sự khuất tất trong việc nhập khẩu thịt lợn, trong khi giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức rất cao, ông Hải khẳng định: “Đã có nhiều đoàn kiểm tra, không có vi phạm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường hay có ảnh hưởng lớn. Hiện một công ty của Thái Lan chiếm 19,1% thị phần toàn quốc, gấp 15 lần Dabaco, họ khai báo giá thành lợn hơi xuất chuồng chỉ 40.000-45.000 đồng/kg, nhưng bán cho người dân lên 80.000-90.000 đồng/kg, sau đó họ hạ được xuống 70.000 đồng/kg, nhưng thực tế các tiểu thương kinh doanh thương lái mua được giá 70.000 đồng/kg là rất khó khăn.
Các cơ quan Bộ Công thương liên quan đến việc cạnh tranh lành mạnh, các cơ quan của Bộ Tài chính xem xét đoàn kiểm tra nộp ngân sách, thuế phí…đang thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ cũng đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp lớn chiếm 35% thị phần, 65% còn lại thuộc về các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, còn rất khó khăn trong việc giảm giá thịt lợn.
Trúc Mai