Về phía Nga, hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin Phó thủ tướng Alexander Novak cho biết: Nước này sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô và lượng xuất khẩu dầu thô tổng cộng 471.000 thùng/ngày cho đến cuối tháng 6. Trong quý 1 này, Nga đã tình nguyện giảm nguồn cung dầu 500.000 thùng/ngày, nhiều hơn so với con số cam kết mà Moscow đưa ra cho quý 2.

Cơ quan thông tấn nhà nước INA của Iraq và WAM của UAE cũng cho biết: Các nhà sản xuất chủ chốt của OPEC là Iraq và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng tự nguyện cho tới hết quý 2, với lượng cắt giảm lần lượt là 220.000 thùng/ngày và 163.000 thùng/ngày.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Vào tháng 11 năm ngoái, các nước OPEC+ ra quyết định duy trì chương trình giảm sản lượng chính thức của nhóm, với mức tổng giảm 2 triệu thùng/ngày, cho đến cuối năm 2024. Ngoài chương trình này, một số thành viên OPEC+, bao gồm Saudi Arabia và Nga, tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày cho đến hết quý 1/2024. Đây là kế hoạch vừa được gia hạn cho tới hết quý 2.

Việc kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng cho thấy quyết tâm của OPEC+ nhằm đẩy giá dầu tăng, ngay cả khi việc này có thể khiến các nước thành viên trong liên minh mất thị phần vào tay các nhà cung cấp dầu khác, nhất là các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ.

Thông báo cắt giảm sản lượng mới nhất được OPEC+ đưa ra trong bối cảnh giá thế giới đã giằng co trong một phạm vi tương đối hẹp 75-85 USD/thùng từ đầu năm đến nay, bất chấp việc OPEC+ siết chặt nguồn cung, các cuộc tấn công hàng hải dai dẳng của phiến quân Houthi trên tuyến đường Biển Đỏ quan trọng, và nguy cơ lan rộng của cuộc chiến tranh ở dải Gaza giữa Israel và Hamas - lực lượng phiến quân của Palestine có sự hậu thuẫn của Iran.

Áp lực giảm giá đối với dầu thô ở thời điểm này chủ yếu đến từ triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Sức ép có thể gia tăng trong những tháng tới, khi các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc bước vào giai đoạn bảo trì hàng năm, cao điểm là trong quý 2, dẫn tới nhu cầu dầu thô đầu vào giảm sút.

Sau khi quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+ được công bố thì giá dầu thế giới tăng nhẹ. Lúc hơn 9h sáng nay (4/3) theo giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent giao sau tại London dao động trên ngưỡng 80 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giao sau tại New York đạt gần 84 USD/thùng.

Theo nhiều giới phân tích, kỳ vọng về việc OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng tự nguyện về cơ bản đã được phản ánh hết vào giá dầu. Tuần trước, giá dầu Brent tăng khoảng 2,4% và giá dầu WTI tăng 4,5%. Bởi vậy, trong ngắn hạn, giá dầu sẽ bị chi phối nhiều hơn bởi các thông tin kinh tế Trung Quốc và diễn biến địa chính trị ở Trung Đông.

Minh An(t/h)