Điều hành nội dung phiên họp sáng 7/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, theo chương trình làm việc, sáng nay Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 (trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước).
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nhận thấy, các số liệu còn chưa trùng khớp với nhau được, đặc biệt là về nợ xây dựng cơ bản. Đại biểu cho biết, nội dung này đại biểu đã nêu tại Kỳ họp thứ 5 năm 2023 về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Do đó, đại biểu đề nghị cần đánh giá thực trạng một cách toàn diện, đầy đủ nhất về “bức tranh” nợ xây dựng cơ bản.
Số nợ xây dựng cơ bản chưa có xu hướng giảm và đã xuất hiện mới
Qua theo dõi, đại biểu nhận thấy, mặc dù có cố gắng nhưng hiện nay số nợ xây dựng cơ bản chưa có xu hướng giảm và đã xuất hiện mới. “Chúng ta không chỉ tồn tại nợ xây dựng cơ bản từ ngày 1/1/2015 trở về trước mà theo Luật Đầu tư đã nghiêm cấm vì đây là hành vi vi phạm. Trong các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết 91 năm 2023 về phê chuẩn quyết toán NSNN yêu cầu Chính phủ rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo đánh giá đầy đủ, toàn diện, đúng thực trạng về tình hình nợ xây dựng cơ bản”.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nhận thấy, riêng năm 2022 theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước quyết toán đã phát hiện thêm hơn 4 nghìn tỉ nợ xây dựng cơ bản. Qua phần trả lời trao đổi với đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nêu rõ, sẽ có đánh giá và kiên quyết thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai thừa nhận thực tế, nếu chúng ta không rốt ráo vấn đề này thì sẽ tiếp tục phát sinh nợ mới. Do đó, đại biểu cho rằng, cần phải hạn chế ảnh hưởng tối đa đến các doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư công một cách chân chính và trao gửi niềm tin thực hiện các dự án đầu tư công, vay vốn ngân hàng, sau đó phải kịp thời thanh toán khi có khối lượng hoàn thành.
Đồng thời đại biểu đánh giá cáo Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước trong thời gian qua đã thúc đẩy các khối lượng hoàn thành. Tuy vậy, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nhận thấy, trách nhiệm các chủ đầu tư chưa thực sự vào cuộc cùng với các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn hoặc thúc đẩy nhanh hơn công tác này.
Điều này có trách nhiệm của các cơ quan của Chính phủ còn thiếu kiên quyết, còn nể nang trong vấn đề phân bổ vốn ở nợ xây dựng cơ bản, đầu tư công. Qua giám sát cùng Ủy ban Tài chính và Ngân sách, không phải khoản nào cũng thuộc trách nhiệm của địa phương, có khoản là thuộc trách nhiệm của Trung ương. Do đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nội dung này với Quốc hội, nếu không làm rõ thì sẽ vẫn tái diễn tình trạng này.
Cần cố gắng thực hiện thanh toán ngay trong năm, để số chuyển nguồn giảm
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trân trọng tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường để hoàn thiện các giải pháp quản lý, điều hành ngân sách tốt trong thời gian tới, hoàn thiện hơn nữa công tác quyết toán ngân sách.
Về số liệu thực hiện ngân sách năm 2022 so với số liệu quyết toán, Bộ trưởng cho biết, tại Kỳ họp tháng 10 năm 2022, Bộ Tài chính đã có báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, dự báo việc thực hiện dự toán ngân sách của năm 2022, trong đó số liệu có chênh lệch so với báo cáo quyết toán. Khi dự báo, trong tình hình thực hiện dự toán ngân sách, Bộ căn cứ vào số thực hiện tại thời điểm báo cáo. Bộ Tài chính có thể lấy số liệu đó một cách chính xác trong vòng chậm nhất một giờ, tuy nhiên, phần dự báo liên quan đến nhiều vấn đề phát sinh vào dịp cuối năm, nên số liệu có sự chênh lệch.
Về số chuyển nguồn lớn, Bộ trưởng cho biết, chuyển nguồn ngân sách từ 2022 sang 2023, trong đó có phần thực hiện cải cách tiền lương chiếm 37,7%, chi đầu tư phát triển chiếm 27,3%, tăng thu tiết kiệm chi chiếm 25%, các khoản chi dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 chiếm 1,8%, kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan Nhà nước chiếm 0,87%.
Như vậy, chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương đóng vai trò lớn. Bên cạnh đó, những nhiệm vụ đã được ký hợp đồng và được thực hiện trong năm nhưng chưa được thanh toán thì được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng cho biết, đối với vấn đề chuyển nguồn, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng thực hiện thanh toán ngay trong năm, để số chuyển nguồn giảm đi.
PV (t/h)