Dù cơ quan quản lý thị trường đã có những động thái kích cầu song thanh khoản trên sàn HoSE vẫn không hề có tín hiệu khởi sắc vì các nhà đầu tư đều dè chừng, không còn nhiều cơ hội "thể hiện".
Tiêu biểu là trong ngày hôm qua, trên sàn TP HCM chỉ sang tay được gần 392 triệu cổ phiếu, đây là con số thấp kỷ lục suốt 22 tháng qua. Trong khi đó, từ đầu tháng, nhiều chuyên gia dự đoán thị trường chứng khoán sẽ có khởi sắc khi HoSE vừa rút ngắn chu kỳ thanh toán, vừa cho phép mua bán cổ phiếu lẻ sau gần 2 năm đứt đoạn.
Thực tế là thị trường giao dịch đến nay mới có 1 phiên giá trị giao dịch vượt 20.000 tỷ đồng nhờ các nhà đầu tư xả hàng. Bởi lẽ đó mà VN-Index giảm 32 điểm, con số thấp nhất trong 3 tháng qua. Những phiên còn lại cũng khá “lèo tèo” khi các giao dịch đều không quá 17.000 tỷ đồng. Trong hôm nay, giao dịch cũng chỉ đạt 9.774 tỷ đồng, chưa bằng một phần ba giai đoạn thị trường thăng hoa.
Theo ông Lê Ngọc Nam - Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết có hai nguyên nhân dẫn đến việc thanh khoản lao dốc.
Thứ nhất, sau khi cơ quan điều hành siết chặt điều luật, xử phạt nhiều trường hợp thao túng thị trường thì những mã tăng nóng ít xuất hiện. Cơ hội đầu tư không nhiều như năm 2021 và 3 tháng đầu năm do đó các nhà đầu tư phải chắt chiu các cơ hội, dè chừng thay vì quay vòng giao dịch liên tục.
Thứ hai, sau giai đoạn điều chỉnh từ tháng 4 đến tháng 7, giá cổ phiếu tụt dốc nên chỉ số cũng kéo theo. Những cổ phiếu trước đây có lượng sang tay trị giá hàng trăm, nghìn tỷ đồng như phiên FLC, ROS, ITA… đều dính sai phạm dẫn đến đình chỉ niêm yết càng khiến hoạt động giao dịch bị hạn chế.
Còn về phía ông Hà Tiến Hoàng – chuyên viên tư vấn khách hàng cá nhân của VDSC lại nhận định, thanh khoản tụt dốc là do tâm lý bi quan của các nhà đầu tư. "Khi nào tâm lý bi quan chưa được phá vỡ thì khi đó thanh khoản không thể bứt lên", ông Hoàng nói.
Bởi lẽ, trong những phiên giảm sốc suốt nửa năm qua khiến các nhà đầu tư chỉ còn khao khát “tiền tươi”. Bằng chứng là dư nợ cho vay ký quỹ trên thị trường đã giảm phân nửa so với hồi cuối tháng 3 là 110.000 tỷ đồng.
Ông Hoàng chia sẻ thêm, nhiều nhà đầu tư tin tưởng rằng, giao dịch sẽ tăng 10-30% khi chu kỳ thanh toán được rút ngắn từ cuối tháng 8. Thế nhưng, thực tế lại vô cùng phũ phàng khi áp lực bán hàng mới về tài khoản xuất hiện thường xuyên làm nhà đầu tư càng chán nản, bi quan.
Theo hai chuyên gia, việc triển khai chu kỳ thanh toán mới và cho phép giao dịch lô lẻ là tín hiệu đáng mừng từ phía nhà điều hành khi họ muốn hâm nóng thanh khoản thị trường. "Nhưng nỗ lực có vẻ chưa đúng thời điểm”, ông Hoàng nói thêm.
Về phía nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), họ cho rằng, thanh khoán trong thời gian tới sẽ tiếp tục suy yếu và lực cầu gia tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Dòng tiền chưa sẵn sàng trở lại thị trường.
Dường như, việc thanh khoản có tín hiệu khởi sắc trên thị trường chứng khoán là khá khó khăn. Trong báo cáo nhiều công ty chứng khoán mới đây, mức 15.000-17.000 tỷ đồng mỗi phiên được dự báo là tích cực, ngược lại, giá trị sang tay có thể tụt xuống 10.000 tỷ đồng như hôm nay.
Hồng Nhung (t/h)