Chưa hoàn tất phân bổ chi tiết
Ngày 26/9/2024, số tiền 14,34 tỷ đồng (ngân sách trung ương 12 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 2,34 tỷ đồng) phân bổ cho việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh 1,5 tỷ đồng (ngân sách tỉnh) và Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) 12,84 tỷ đồng (ngân sách trung ương 12 tỷ và ngân sách tỉnh 0,84 tỷ đồng) đã được HĐND tỉnh chuẩn y.
Đợt phân bổ vốn thứ 5 này đã nâng tổng số vốn đã được phân bổ chi tiết cho các chương trình, nghị quyết, dự án của các ngành, địa phương đủ điều kiện được giao vốn năm 2024 là hơn 6.614,4 tỷ đồng (đạt 94%).
Kế hoạch vốn năm 2024 còn lại chưa phân bổ gần 442,5 tỷ đồng do một số nhiệm vụ chưa bảo đảm đủ điều kiện phân bổ vốn theo quy định và nguồn thu sử dụng đất chưa bảo đảm tiến độ thu theo dự kiến.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nói, UBND tỉnh chịu trách nhiệm về các thông tin dự án, số liệu báo cáo về tình hình phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.
Kế hoạch vốn năm 2024 còn lại chưa phân bổ, Ban Kinh tế - ngân sách đã đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, rà soát tiến độ triển khai thực hiện, nhu cầu sử dụng vốn của các công trình.
Ngoài ra, rà soát nguồn thu tiền sử dụng đất để kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bảo đảm phân bổ hết kế hoạch vốn còn lại theo đúng quy định.
Theo thống kê, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Quảng Nam gần 8.884,3 tỷ đồng, bao gồm: Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 gần 7.056,9 tỷ đồng (ngân sách trung ương gần 2.195 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 4.861,9 tỷ đồng) và kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 hơn 1.827,4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, các sở chuyên ngành đã được yêu cầu rút ngắn tối đa thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật dự án. Các cơ quan quản lý kiểm soát năng lực tư vấn, chất lượng hồ sơ, kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu được duyệt.
Các chủ đầu tư được yêu cầu lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, chất lượng, đảm bảo tư vấn hồ sơ không phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần. Sự năng động này đã giúp việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 khá cao.
Tuy nhiên, tại phiên họp giữa Tổ công tác số 1 Chính phủ với 5 tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chiều 11/10/2024 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, tỉnh Quảng Nam là địa phương duy nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa hoàn thành việc phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân của địa phương lại dưới mức trung bình cả nước (40,99%).
Áp lực lớn
Giải ngân vốn đầu tư công đã được UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Tỷ lệ giải ngân cao hay thấp là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của tổ chức, cá nhân liên quan.
Chính quyền đã ban hành chỉ thị phấn đấu giải ngân 100% tổng vốn đầu tư công 2024 theo các mốc thời gian cụ thể. Có thể hiểu áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 rất lớn.
Song, điều đầu tiên để đạt tỷ lệ giải ngân cao vẫn phải bắt đầu từ việc có hoàn tất phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đến từng chương trình, nghị quyết, dự án cho các địa phương hay sở ngành hay không. Trong khi đó, niên hạn tài chính chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc.
Kế hoạch vốn năm 2024 còn lại chưa được phân bổ chi tiết gần 442,5 tỷ đồng, bao gồm: ngân sách trung ương gần 16,2 tỷ đồng từ các chương trình MTQG (Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới hơn 6,5 tỷ đồng; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hơn 9,6 tỷ đồng) và ngân sách tỉnh hơn 426,3 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, mô hình trung tâm thu mua nông sản an toàn cấp huyện do Bộ NN&PTNT mới có văn bản hướng dẫn. Vốn phân bổ cho Trường Cao đẳng Quảng Nam gần 5 tỷ đồng và Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam hơn 4,6 tỷ đồng chưa hoàn chỉnh thủ tục. Sắp tới sẽ phân bổ xong các nguồn vốn này.
Kế hoạch vốn còn lại của ngân sách địa phương nhiều nhất hơn 426,3 tỷ đồng. Bao gồm: trả nợ vay đến hạn (gần 71,6 tỷ đồng), dự nguồn thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh và đối ứng các chương trình MTQG (hơn 52,5 tỷ đồng) chưa có điều kiện nên chưa phân bổ được. Nan giải nhất là hơn 302,2 tỷ đồng nguồn thu từ đất, không thu được nên chưa có nguồn để phân bổ cho các dự án.
Thống kê cho thấy nguồn thu tiền sử dụng đất dành cho đầu tư công năm 2024 đã được ấn định là 2.700 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ thu được khoảng 701 tỷ đồng (chỉ đạt 26%). Nguồn thu này dự báo sẽ không thu được so với dự toán được giao.
Có thể các dự án này chậm triển khai thực hiện trong năm 2024 do vừa không có vốn, chưa đủ điều kiện, thủ tục để phân bổ vốn. Số thu còn lại khoảng 1.999 tỷ đồng chưa có thực để phân bổ chi tiết kế hoạch vốn và giải ngân.
Địa phương đã tìm nhiều cách, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc cho các dự án. Hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 50% tiền đất để bố trí, phân bổ vốn. UBND tỉnh sẽ theo dõi, rà soát, tiếp tục phân bổ trong thời gian đến.
Trịnh Dũng