Tự ý sử dụng Tamiflu khi không có chỉ định của bác sĩ làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc. Ảnh minh họa: newspnr.

Chính vì lý do trên khiến thị trường thuốc này khan hiếm, một số cơ sở lợi dụng tình hình, tự ý tăng giá thuốc. Trong khi đó, các bác sĩ cảnh báo, việc tự ý sử dụng Tamiflu có thể gây ảnh hưởng lớn sức khỏe.

Mới đây, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã ban hành công văn khẩn gửi các sở y tế, bệnh viện, viện về việc tăng cường giám sát kê đơn, sử dụng thuốc kháng virus trong điều trị cúm.

Cụ thể, thời gian qua, Bộ Y tế đã nhận được phản ánh từ một số phương tiện thông tin truyền thông về việc người dân tự tìm mua thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir để điều trị cúm.

Trên trang web Tra cứu giá thuốc của Cục quản lý dược, Bộ Y tế, Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được công bố với mức giá chưa đến 45.000đ 1 viên, tương đương khoảng 450.000 đồng 1 hộp. Thế nhưng, tại một số nhà thuốc, 1 hộp Tamiflu đang được bán với giá 600.000 – 650.000đ. Tuy nhiên, 650.000đ vẫn còn rẻ, bởi trên 1 số địa chỉ hoặc các trang FB bán hàng xách tay, giá thuốc Tamiflu thậm chí còn lên đến hơn 800.000đ/hộp.

Theo TS.BS Trần Văn Giang, Phó viện Trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người dân không nên mua tích trữ thuốc Tamiflu vì chỉ những trường hợp có nguy cơ tiến triển thành nặng, mới cần sử dụng loại thuốc này.

Các chuyên gia y tế cho biết, việc tự ý sử dụng thuốc Tamiflu còn là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng thuốc; khiến việc điều trị khó khăn hơn. Vì vậy, mỗi người dân chỉ mua và điều trị bằng Tamiflu theo chỉ định, kiểm soát của bác sĩ. Đừng tự ý kê đơn để rồi đánh đổi cả tính mạng, sức khỏe của bản thân và gia đình.

Được biết, trước tình trạng giá thuốc Tamiflu tăng cao, khan hàng...Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đã có công văn yêu cầu các địa phương bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt giá thuốc điều trị cúm mùa. Các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc công khai và bán theo giá đã công khai, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ đã công bố. Tuy nhiên, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh khẳng định Tamiflu là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc yếu tố nguy cơ.

"Không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế", văn bản này đề cập.

Từ đây, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh cúm để người dân hiểu và không tự ý mua thuốc kháng virus nhằm điều trị cúm. Cục cũng yêu cầu các đơn vị chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn điều trị cúm theo các Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm của Bộ Y tế; chú trọng công tác kê đơn an toàn, hợp lý và hiệu quả, nhất là với thuốc kháng virus để điều trị cúm.

Theo đó, người dân nên chủ động phòng ngừa bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và tiêm phòng vắc xin hằng năm. Ăn uống và sinh hoạt điều độ. Đối với những người có bệnh lý nền cần theo dõi, đến thăm khám ở cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Linh Tuệ