Tại tỉnh Bình Phước, nhiều vườn điều chỉ đạt năng suất bằng 1/3 so với năm 2017. Hợp tác xã Nông nghiệp Bù Gia Mập có 132 hộ tham gia, tổng diện tích điều khoảng 400 ha. Năm nay, tình hình sâu bệnh hoành hành nặng nề, chiếm khoảng 80-90% diện tích điều trên toàn xã Bù Gia Mập. Dự kiến năng suất bình quân của Hợp tác xã Nông nghiệp Bù Gia Mập chỉ bằng một nửa so với những vụ điều trước đây, đạt khoảng 6 tạ/ha.
Ông Trịnh Kim Thành ngụ huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) kể gia đình ông huyển đổi 2ha cao su già cỗi sang trồng điều ghép, phần lớn thời giờ ông tự tìm hiểu cách trồng, chăm sóc nên vườn điều cho năng suất không được như mong muốn.
Năm 2017, nhiều vườn điều trong tỉnh bị bệnh khô cành, cháy lá. Ông Thành cũng tự tìm mua thuốc BVTV về phun, nhưng kết quả cũng không khả quan. Vườn cây 2ha chỉ cho thu hoạch được gần 3 tấn hạt điều tươi.
“Hiện tại, vườn điều tiếp tục bị sâu gây hại nhưng tôi cũng không rõ sâu bệnh gì và phải sử dụng thuốc BVTV nào cho đúng” - ông Thành nói.
Chăm sóc cây điều đúng cách để phòng giảm thiệt hại khi thời tiết bất thường gây ra
Bà Lê Thị Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước cho rằng, những trường hợp tương tự như thế là không hiếm do hậu quả của phương pháp lạm dụng thuốc BVTV. Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại điều được khuyến cáo hiện nay vẫn đang thiên về thuốc hóa học nhưng người dân không ý thức rõ là sâu gì, bệnh nào và cách dùng thuốc ra sao.
Bà Tuyết kể, có nhiều người trồng điều phải qua huyện khác mua thuốc về trị mới hết bệnh, còn mua thuốc ở ngay địa phương không ăn thua. Họ kết luận rằng, các đại lý gần nhà bán thuốc giả mà đâu biết rằng, sâu bệnh trong vùng đã bị kháng thuốc. Lại có người mua thuốc về phun xịt tá lả mà hiệu quả vẫn không hơn gì người không hề phun thuốc. Từ đó hình thành tâm lý chủ quan hoặc chán nản, không quan tâm chăm sóc vườn điều. Sau nhiều lần như thế, việc vận động người dân chăm sóc, cải tạo vườn điều trở nên khó khăn hơn.
Theo đại diện Sở NNPTNT Bình Phước, sau nhiều năm cây điều bị gây hại nặng, một điều dễ nhận thấy là quy trình kỹ thuật quản lý sâu bệnh được khuyến cáo chưa sát hợp thực tế dù địa phương rất nỗ lực. Sau thời điểm ra quân cứu hộ bệnh khô cành, cháy lá đầu năm thì tiếp đó, trời mưa nhiều, khiến điều không trổ hoa, cây bị bệnh thán thư. Lực lượng chức năng ra quân xong, điều lại bị sâu đục trái tấn công làm năng suất, chất lượng hạt giảm sút.
Sở NNPTNT Bình Phước kiến nghị ngành nông nghiệp cần nghiên cứu nhiều hơn nữa quy trình chăm sóc cây điều, tập trung vào canh tác và biện pháp sinh học. Cục BVTV cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất nhiều thuốc hữu cơ đưa vào danh mục. Nhiều nông dân cho biết, họ cũng mong muốn như vậy, và rất phù hợp với xu hướng sản xuất sạch.
Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước dự báo thời gian tới, thời tiết tục biến đổi bất lợi, dịch hại có thể tiếp tục phát triển, có thể nguy cơ bùng phát dịch. Do đó, sau thu hoạch bà con cần thực hiện các biện pháp như: thường xuyên thăm vườn phát hiện bệnh kịp thời, vệ sinh vườn, cắt bỏ lá, cành bị bệnh và những cành kém hiệu quả để vườn cây được thông thoáng. Đồng thời, bón phân cân đối, hợp lý để cây sinh trưởng phát triển tốt; tiến hành phun phòng thuốc bảo vệ thực vật để rửa vườn khi thu hoạch xong bằng các thuốc gốc đồng như: Copper Hydroxide (Kocide 53.8DF, Champion 77WP), Copper Oxychloride (Coc 85WP)… để hạn chế bệnh xâm nhiễm.
Ngoài ra, khi chủ vườn phát hiện bệnh với tỷ lệ gây hại thấp, có thể sử dụng một số loại thuốc để phòng trừ như: Carbendazim 125g/l + Hexaconazole 30 g/l (Hexado 300SC), Hexaconazole 50 g/l (Anvil 5SC), Azoxystrobin 50g/l + Hexaconazole 100 g/l (Camilo 150SC) phun 1 đến 2 lần cách nhau 7 đến 10 ngày.
Bên cạnh đó, bà con cần dùng biện pháp thủ công bắt sâu gây hại ở vỏ thân, có thể sử dụng các loại thuốc có khả năng nội hấp, xông hơi mạnh như: Regent 800WG, Vibasudin 50ND, Viphensa 50ND, Bini 58 40ND pha theo hướng dẫn nhãn thuốc, dùng xy lanh bơm dung dịch thuốc vào đường hầm. Sau khi bơm thuốc dùng đất sét hoặc bông gòn nhét lỗ đục lại để diệt sâu non bên trong.
Hải Nam